Học tập

Đánh giá kiến thức của người học

ĐÁNH GIÁ KIẾN THỨC CỦA NGƯỜI HỌC
     Kiến thức – kỹ năng – thái độ là ba thành tố cấu trúc nên các năng lực. Trong quan điểm dạy nghề, phải dạy cho người học có được năng lực thực hiện công việc sau quá trình đào tạo. Trong khuôn khổ bài này, chúng ta cùng bàn tới đánh giá kiến thức của học viên, một số phương pháp phổ biến hiện nay đang áp dụng, song hành với các phương pháp truyền thống.
     Đánh giá kiến thức thường được gọi là đánh giá về mặt lý thuyết, ở đây chúng tôi dùng thuật ngữ “đánh giá kiến thức” vì thuật ngữ này khái quát và có ý nghĩa sâu hơn. Nói chung, trong quá trình học tập, trước hết phải học kiến thức, học để  biết rồi mới học thực hành… Cho dù học ở bậc nào cũng thường phải theo qui trình này. Tuy nhiên khối lượng học kiến thức, lý thuyết nhiều ít khác nhau so với thực hành là tùy theo bậc học, tùy theo mục tiêu đào tạo. Như vậy học kiến thức giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đào tạo, việc đánh giá kiến thức có vị trí quan trọng trong đánh giá học viên và đánh giá hệ thống đào tạo.
     Từ khi xuất hiện trường lớp là có ngay kiểm tra, thi…, gọi chung là “đánh giá”. Vậy khái niệm “đánh giá” đã có từ lâu đời với nhiều phương pháp rất có giá trị, trong đó một số phương pháp vẫn còn thích hợp với Giáo dục – Đào tạo hiện đại. 
     Thời đại ngày nay, khoa học, công nghệ, xã hội rất phát triển, nên đòi hỏi Giáo dục – Đào tạo cũng phải có những bước tiến tương ứng. Vì vậy đã có nhiều cải cách giáo dục, đổi mới về mục tiêu, chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học…. tất yếu, đòi hỏi phải thay đổi cả phương pháp đánh giá cho phù hợp.
     Trong nhiều thập kỷ qua, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học theo  hướng tích cực, chủ động, phương pháp đánh giá kiến thức đã có những cải tiến. Các phương pháp đánh giá kiến thức mới đã được ứng dụng có hiệu quả trong đào tạo. 
Trong bài này, ngoài việc sử dụng các phương pháp đánh giá kiến thức theo truyền thống, chúng tôi tập trung chủ yếu vào phương pháp và kỹ năng viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan (test). 
I. Mục đích đánh giá kiến thức
1) Xác định khả năng của học viên: 
Trí nhớ, thuộc bài. Sự hiểu biết. Tư duy. Phân tích. Tổng hợp. Ra quyết định. 
Phát hiện vấn đề. Giải quyết vấn đề. Năng lực phát triển. Làm việc nhóm v.v…
Trong những khả năng trên của học viên, có những khả năng thuần túy kiến thức, có khả năng lồng ghép cả kiến thức với thực hành và có thể cả thái độ. 
2) Thông tin phản hồi liên tục cho học viên: những thiếu hụt về trình độ, năng lực của học viên.
3) Xác định mức học tập (đạt, chưa đạt, phân loại…). 
4) Cấp chứng chỉ. 
5) Giảng viên tự đánh giá: mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học… để có thể điều chỉnh nếu cần. 
Đề cập về học tập lý thuyết thuần túy, khi đánh giá thì phải dựa vào mục tiêu. Nói chung trong mỗi chủ đề, mỗi bài về lý thuyết, thì mục tiêu có thể có 3 mức độ:
Nhớ lại, thuộc.
Giải thích, diễn giải được.
Giải quyết vấn đề. 
Vì vậy, đánh giá kiến thức cũng phải đánh giá 3 mức độ cho phù hợp với mục tiêu. 
II. Các phương pháp đánh giá kiến thức và nguyên tắc lựa chọn
.1. Các phương pháp 
– Thi viết truyền thống: 
Không được mang tài liệu: Thi viết không được mang tài liệu là quy chế của tuyệt đại đa số các kỳ đánh giá. 
Được mang tài liệu: Một số kỳ thi lý thuyết người ta cho phép mang tài liệu. Đấy là những cuộc đánh giá không kiểm tra trí nhớ (thuộc lòng) mà là đánh giá khả năng tư duy, phân tích, tổng hợp, ra quyết định, sáng tạo… đòi hỏi có trình độ cao và sâu (đào tạo nhân tài, đào tạo chuyên gia…)
– Viết cải tiến. 
– Vấn đáp (hỏi-đáp): không đáp án. có đáp án tóm tắt kèm theo (ít dùng). 
– Viết tự luận. 
– Câu hỏi trắc nghiệm, gồm các câu hỏi: 
Câu hỏi ngắn.
Đúng/Sai. 
Chọn lựa. 
Tình huống…
– Viết tiểu luận, chuyên đề, luận văn, luận án. 
2. Nguyên tắc lựa chọn phương pháp đánh giá kiến thức
Tùy thuộc vào mục đích đánh giá.
Đánh giá phải theo mục tiêu.
Phải đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản của đánh giá.
Dựa vào điều kiện cho phép, khả thi. 
Phù hợp với phương pháp dạy học đã sử dụng.
Giảng viên vững vàng về phương pháp định lựa chọn.
Học viên đã được làm quen với phương pháp mà giảng viên lựa chọn. 
Viết đáp án: 
Đáp án phải đúng, chính xác và chỉ có một đáp án duy nhất (nhất là cho test). 
Đáp án cần thảo luận và thống nhất trong một tập thể khoa hoặc bộ môn. 
Để tự học, tự đánh giá thì đáp án ghi ngay ở cuối sách, cuối giáo trình. Không ghi ngay ở dưới mỗi câu hỏi. 
Nếu có ngân hàng câu hỏi đủ mạnh thì có thể công khai các đáp án. 
Những điều cần chú ý khi đánh giá kiến thức: 
Kịp thời.
Liên tục (thường xuyên.
Sáng sủa..
Tính hỗ trợ (không đe dọa học viên). 
Tính đối thoại 
Giảm tối đa sai số trong đánh giá do: 
Chọn/May mắn. 
Gian trá (quay cóp).
Cho điểm sai (do giảng viên). 
Đánh giá kiến thức không chỉ là xem trí nhớ, đánh giá lý thuyết thuần túy. Trí nhớ tốt là một vốn kiến thức rất cơ bản, rất cần thiết, rất quý và quan trọng mà không phải ai cũng có được. vì vậy học là trước tiên phải hiểu, học thuộc, cố nhớ. Nhưng ngoài mục đích đó cần quan tâm tới các mục đích cao hơn là đánh giá các khả năng: tư duy, phân tích, tổng hợp, sáng tạo, ra quyết định, vận dụng kiến thức. Đó là tri thức, là năng lực trí tuệ. Bậc đào tạo nào cũng phải làm như vậy nhất là đại học và đặc biệt là sau đại học. Có như vậy thì việc đánh giá mới góp phần đào tạo ra những người có năng lực trí tuệ, tư duy nhạy bén trước thực tiễn, sáng tạo và đưa ra những quyết định đúng. rất tiếc là hiện nay đánh giá kiến thức ở một số nơi vẫn chủ yếu là đánh giá trí nhớ (thuộc bài), kể cả bậc sau đại học.
III. Phương pháp viết một số câu hỏi (test) để đánh giá kiến thức
Như trên đã nêu có rất nhiều phương pháp đánh giá kiến thức, dưới đây chỉ trình bày một số phương pháp hiện thường được áp dụng như: thi viết cải tiến. một số test (câu hỏi đúng/sai, câu hỏi ngỏ ngắn, câu hỏi lựa chọn).
Để không làm học viên lúng túng, mất thì giờ vì thân câu hỏi không rõ hoặc thân câu hỏi quá dài, hoặc không biết ghi trả lời như thế nào, thì khi biên soạn câu hỏi, nhất là viết các loại test để đánh giá, cần lưu ý: 
– Thân câu hỏi: thật rõ ràng, sáng sủa, ngắn gọn, học viên đọc là hiểu ngay nhiệm vụ, học viên có thể tự đánh giá mà không cần phải giải thích. 
– Hướng dẫn trả lời: cần hướng dẫn cụ thể, mạch lạc. học viên đọc là hiểu đúng, biết ngay cách ghi trả lời vào đâu, cách chọn trả lời – chọn đáp án cho sẵn bằng cách nào (khoanh tròn…, đánh dấu cộng, dấu nhân, gạch chân…), cách ghi trả lời vào phiếu làm bài, sử dụng máy tính để đánh gía…
1. Thi viết có cải tiến
a) Hiện nay có xu hướng không dùng những câu hỏi bao gồm nhiều nội dung, học viên phải làm mỗi câu 1-2 tiếng đồng hồ, mà thay vào đó là các câu hỏi có cải tiến với những đặc điểm sau: 
– Câu ngắn chỉ có một phần nội dung nhất định. 
– Mỗi câu hỏi nêu yêu cầu, nhiệm vụ rõ ràng cho học viên. 
– Thời gian làm bài cho mỗi câu từ 15-20 phút hoặc tối đa là 30 phút. 
Thí dụ: 
Câu hỏi đánh giá theo kiểu truyền thống: 
“Trình bày triệu chứng và chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa cấp”. Thời gian làm bài: 45 phút. 
Cũng nội dung trên và cùng thời gian làm bài tương tự, có thể viết thành các câu hỏi nhỏ sau: 
+ Trình bày triệu chứng viêm ruột thừa cấp tính. 
+ Trình bày chẩn đoán xác định viêm ruột thừa cấp. 
+ Trình bày các chẩn đoán phân biệt với viêm ruột thừa cấp. 
b) Ưu, nhược điểm chính
– Ưu điểm: 
Do câu hỏi ngắn nên một lần đánh giá với lượng thời gian như nhau có thể hỏi nhiều nội dung của các chủ đề khác nhau.
Nêu nhiệm vụ của học viên một cách rõ ràng. 
Đánh giá sát mục tiêu hơn. 
Tạo tâm lý tốt hơn cho học viên, vì làm bài với một câu hỏi quá dài dễ gây ức chế. 
Hạn chế “học tủ” vì đề thi thường có phạm vi rộng hơn so với phương pháp viết truyền thống. 
– Nhược điểm: 
Không đánh giá được nhiều nội dung khác nhau trong chương trình: 
Tính may rủi còn nhiều. 
Chấm lâu. 
Không sử dụng được máy tính để đánh giá. 
Thi viết có cải tiến với những câu hỏi ngắn hiện được áp dụng rộng rãi, đặc biệt phù hợp cho đánh giá kiến thức – thi lý thuyết cấp chứng chỉ cho các đối tượng. 
2. Câu hỏi Đúng-Sai (Đ/S)
Đây là loại test cải tiến đã được sử dụng từ lâu nhưng hiện nay vẫn được dùng phổ biến. 
a) Cách viết (cấu trúc), có một số cách viết: 
– Viết từng câu độc lập: Thân câu hỏi (test) là một mệnh đề, một câu hoàn chỉnh, ngắn gọn. Thân của mỗi test chỉ có một yếu tố thích hợp khi trả lời là Đ hay S. 
Câu có thể đúng hoặc sai về quyết định, về cách giải quyết vấn đề…, học viên sẽ chọn Đúng hoặc chọn Sai (Đ/S). 
Thí dụ:
1. Mục tiêu dạy học là của giảng viên (Đ/S)
2. Trong phương pháp dạy học chủ động thì giảng viên là trung tâm (Đ/S)
3. Dạy học bằng phương pháp đóng vai là phương pháp dạy học cơ bản và tốt nhất về kỹ năng giao tiếp (Đ/S)
4. Bài giảng ngắn có minh họa thuộc nhóm các phương pháp dạy học thực sự tạo ra sự hoạt động tích cực, chủ động của học viên (Đ/S).
(Đáp án: 1/S, 2/S, 3/Đ, 4/S)
Không thể vừa có yếu tố Đ vừa có yếu tố S trong một thân câu hỏi hoặc chọn Đ cũng được, chọn S cũng được. Chẳng hạn câu 4 trong thí dụ trên, nếu đọc nhanh tưởng là đúng, nhưng thực ra là sai (S) vì bài giảng ngắn có minh họa thực ra chỉ là “tích cực hóa các phương pháp dạy học truyền thống”, không thuộc nhóm các phương pháp dạy họcthực sự tạo ra sự hoạt động tích cực, chủ động của học viên. 
– Viết một thân câu hỏi chung và có những trả lời sẵn. Một thân chung thì thường nên có từ 5-6 trả lời trở lên, trong đó có những trả lời đúng (Đ) và những trả lời sai (S) được sắp xếp không theo quy luật. Nên sắp xếp vào trong một bảng để học viên dễ theo dõi và giảng viên dễ chấm. 
Thí dụ. Cách sắp xếp khi viết một thân câu hỏi chung, có những trả lời sẵn. 
Dạy học bằng nghiên cứu tình huống được dùng khi Đ S
1. Dạy phong cách, thái độ
2. Dạy kỹ năng giải quyết vấn đề
3. Dạy kỹ năng tư duy
4. Dạy kỹ năng thực hành
5. Dạy kỹ năng ra quyết định
(Đáp án: 1/S, 2/S, 3/Đ, 4/S, 5/Đ)
b) Sắp xếp các câu hỏi Đ/S vào đề để đánh giá 
Khi đặt câu hỏi Đ/S sau mỗi bài, sau mỗi cuốn sách, trong ngân hàng test thì thứ tự các câu có thể là theo bài, theo chương, không cần theo quy luật nghiêm ngặt. 
Nhưng khi đưa vào đề để đánh giá, dù dùng số lượng ít hay nhiều các câu hỏi Đ/S, thì phải sắp xếp các câu Đ và các câu S không theo bất cứ quy luật nào. 
c) Hướng dẫn trả lời
– Thường bắt đầu viết như sau: 
Chọn đúng hoặc sai câu (các câu) sau…
hoặc 
Chọn đúng hoặc sai trong các câu từ câu số… đến câu số…
– Hướng dẫn cách ghi trả lời: có nhiều cách ghi nhưng phải phù hợp với cách viết câu hỏi hoặc cách thiết kế đề để đánh giá. 
Thí dụ: 
Chọn Đ hoặc S bằng cách khoanh tròn vào chữ Đ hoặc S ở cuối câu. 
Chọn Đ hoặc S bằng cách đánh dấu X vào ô Đ nếu câu đúng, vào ô S cho câu sai trên phiếu làm bài. 
d) Viết mức độ khó dễ của câu hỏi Đ/S
Có ý kiến cho rằng đây là loại câu hỏi nông và dễ, điều đó không đúng. Cũng như mọi loại câu hỏi khác, câu hỏi Đ/S cũng có câu dễ, câu trung bình, câu khó, câu rất khó. 
– Câu dễ: là những câu nằm rất xa ranh giới đúng và sai (ở 2 cực Đ/S). 
– Các câu trung bình: nằm xa hoặc tương đối xa ranh giới đúng và sai. 
– Các câu khó: nằm gần ranh giới đúng và sai.
– Các câu rất khó: nằm sát ranh giới đúng và sai. 
Vì vậy, khó hay dễ là do người ra câu hỏi. Nếu ra một số câu hỏi thì tùy, nhưng khi ra hàng loạt câu hỏi Đ/S và nhất là khi dùng nhiều câu hỏi Đ/S để đưa vào đề thi thì bắt buộc phải ra các câu hỏi nằm ở cả 4 vùng trên (một số vào vùng câu khó, một số vào vùng dễ, một số vào vùng rất khó, một số vào vùng trung bình). Tuy nhiên tùy theo đối tượng, tùy theo mục đích của đánh giá, có thể thay đổi tỷ lệ giữa các vùng hco thích hợp. 
e) Cho điểm câu Đ/S
Không có nguyên tắc chung về cho điểm các câu Đ/S. Có một số cách thường được áp dụng: 
– Chỉ cho điểm các câu trả lời đúng, mỗi câu 1 điểm. 
– Trừ điểm các câu trả lời sai, mỗi câu sai trừ 1 điểm. câu đúng 1 điểm. Cách này nhằm hạn chế học viên chọn không qua suy nghĩ, “chọn bừa”. Hiện nay cách này được áp dụng phổ biến. 
f) Ưu, nhược điểm chính 
– Ưu điểm: 
Ra câu hỏi nhanh. 
Viết được nhiều câu hỏi trong cùng một nội dung. 
Có thể đánh giá mọi nội dung của bài, của chương trình. 
Dễ cho tự đánh giá. 
Kích thích tự đánh giá. 
Rất thích hợp cho đánh giá đối tượng có trình độ thấp 
Tạo thuận lợi cho cấu trúc đề thi cùng các loại test khác. 
Đánh giá nhanh khi thời gian ít. 
– Nhược điểm: 
Độ khó và tính phân biệt thường là khó đạt như mong muốn. 
Phải ra nhiều câu hỏi, hàng loạt câu hỏi nên để viết được câu khó, câu rất khó không phải là việc đơn giản. 
g) Chú ý
– Đáp án phải thật rõ, phải khẳng định Đ hay S. Nếu giảng viên còn lưỡng lự hay chưa thống nhất thì câu hỏi đó không dùng được, phải sửa hoặc bỏ. 
– Phải cấu trúc và cho điểm như thế nào để tránh học viên cứ “chọn bừa” rồi cũng sẽ đúng một nửa. 
– Viết và sắp xếp để câu nọ không trả lời cho câu kia. 
3. Câu hỏi lựa chọn
Câu hỏi lựa chọn là loại test có rất nhiều ưu điểm nên đang được áp dụng rất phổ biến trong các nhà trường khi: thi đầu vào. đánh giá quá trình. đánh giá kết thúc. trong các hội thi. trong thi vui chơi giải trí… Trong sử dụng các test thì câu hỏi lựa chọn giữ một vai trò quan trọng nhất, đề thi chỉ toàn là câu hỏi lựa chọn là tốt nhất. nếu chưa làm được như vậy hoặc không thể làm được như vậy thì cố gắng nâng tỷ lệ câu hỏi lựa chọn trong đề thi lên càng cao càng tốt. 
a) Cấu trúc
– Viết thân câu hỏi: thân câu hỏi có thể là một câu hoàn chỉnh, một mệnh đề, một tình huống (trường hợp), một bài tập…
– Viết các trả lời: 
Mỗi thân câu hri có từ 4 trả lời trở lên. Tốt nhất mỗi câu đều có 5 trả lời, tuy nhiên có thể thay đổi từ 4 đến 6, không dùng câu chỉ có 3 trả lời. Trong các trả lời của 1 câu có thể có 1 trả lời là nhận xét hoặc tổng hợp các trả lời khác cùng câu. 
Có 1 trả lời đúng nhất trong các câu trả lời, nhưng các trả lời khác cũng phải xem như có lý để học viên phải suy nghĩ thì mới chọn được. Nếu sự phân biệt giữa câu chọn và các câu không chọn quá dễ thì không phải là “lựa chọn” nữa, và như vậy với câu đó độ khó và tính phân biệt không còn.
Câu trả lời nên viế ngắn nhất có thể. 
Mở đầu mỗi trả lời nên viết ở đầu dòng. đầu câu trả lời, theo quy ước đánh thứ tự bằng chữ A, B, C, D, E, F (thường dùng chữ in). 
b) Hướng dẫn trả lời
Tùy theo cách viết, tập hợp các câu hỏi trong đề đánh giá mà hướng dẫn cho phù hợp. Thí dụ: 
– Khoanh tròn vào chữ cái đứng đầu câu mà bạn cho là đúng nhất trong câu (các câu) sau. 
– Khoanh tròn vào chữ cái đứng đầu câu mà bạn cho là đúng nhất trong các câu từ câu số… đến câu số…
– Chọn một câu đúng nhất trong các câu từ câu số… đến câu số… bằng cách đánh dấu X vào ô tương ứng trên phiếu làm bài (phiếu làm bài đã in số thứ tự câu hỏi và có các ô A, B, C, D, E, F tương ứng cùng hàng). 
Thí dụ 6.3: 
Khoanh tròn vào chữ cái đứng đầu câu sau đây mà bạn cho là đúng nhất: 
Câu 1. Kết quả của giáo dục theo nghĩa rộng là học viên có: 
Năng lực. 
Đạo đức. 
Tài năng. 
Nhân cách. 
Học vấn. 
(Đáp án: D)
Câu 2. Dạy học là: 
Phương tiện cơ bản để giáo dục. 
Giáo viên truyền thụ kiến thức cho học viên. 
Mục tiêu của giáo dục. 
Dạy nghề. 
Dạy người. 
(Đáp án: A). 
c) Ưu, nhược điểm chính
– Ưu điểm: 
Rất thích hợp cho đánh giá kiến thức vì học viên phải học kỹ trước khi thi và phải suy nghĩ đắn đo thì mới có thể lựa chọn đúng. 
Có thể đánh giá nhiều nội dung so với câu hỏi truyền thống vì ra được nhiều câu hỏi trong cùng một khối lượng kiến thức. 
Dễ dàng cho dùng máy tính để đánh giá. 
Chấm nhanh (dù không có máy tính). 
– Nhược điểm: 
Trong một câu thường khó đưa ra các trả lời có ý na ná nhau mà trong đó chỉ có một trả lời đúng duy nhất hoặc đúng nhất, đặc biệt là khi ra hàng loạt câu hỏi để làm đề và để xây dựng ngân hàng test. 
Tốn nhiều thời gian thì mới có những câu hỏi tốt. 
4. Câu hỏi ngỏ ngắn 
a) Cấu trúc
Có nhiều cách viết và cấu trúc để có một câu hỏi ngỏ ngắn. 
+ Từ câu đã có về nội dung nào đó cấu trúc thành câu hỏi. 
– Chọn một câu hoàn chỉnh trong sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu dạy học mà học viên dùng để học. Do không thể chọn được nhiều câu nên thường chọn những câu cơ bản, câu “khóa” về nội dung. 
Trong câu đã chọn tìm những từ, cụm từ khóa. Số từ, cụm từ chọn là tùy thuộc vào câu dài hay ngắn. Thường câu ngắn chọn 1 đến 2, câu dài chọn 2 đến 3 từ, cụm từ. 
Xóa từ, cụm từ đã chọn. Hoặc viết lại, đánh máy lại câu đó với những chỗ trống tương ứng với chỗ đã xóa. 
Nếu số chỗ để trống trong một câu có từ 2 trở lên thì phải đánh số 1, 2, 3 nhưng thường dùng các chữ a, b, c để đánh thứ tự. Như vậy tiện cho làm bài và chấm bài. 
Giảng viên có thể biên soạn câu mới, chuẩn mực không giống như trong tài liệu rồi tiến hành làm như trên để có câu hỏi. Các câu cơ bản, câu khóa trong tài liệu muốn sử dụng nếu thấy dài nên viết lại cho ngắn gọn cho đúng câu “ngỏ ngắn”. 
– Nhiệm vụ học viên: 
Học viên hoàn chỉnh câu hỏi bằng cách tìm từ, cụm từ thích hợp (đúng) rồi điền vào chỗ trống. 
hoặc: Mỗi chỗ để trống, giảng viên cho sẵn 3-4 đáp án, trong đó có 1 đáp án đúng, còn các đáp án khác tưởng như tương tự, giông giống nhưng không phải như vậy, buộc học viên phải suy nghĩ kỹ mới có thể chọn đúng. 
Thí dụ:
Hãy dùng từ hoặc cụm từ thích hợp điền vào những chỗ trống để hoàn chỉnh câu sau: 
Trong phương pháp dạy học chủ động… không còn là người cung cấp kiến thức có sẵn, mà là người…….. để……vừa học được kiến thức, đồng thời học được…… tìm ra, thu được kiến thức mới. 
– Dạng nhiều chọn lựa
Đây là dạng có cấu trúc đơn giản, dễ ra câu hỏi, học viên dễ làm bài. 
– Dạng rà quét 1 tầng: thường dùng để đánh giá kiến thức chung, tổng quát. 
Thí dụ:
Sáu tiêu chuẩn của phương pháp đánh giá là: 
A. Tính tin cậy 
B……….
C……….
D……….
E. Tính pháp lý 
F………..
Chú ý: Số đáp án, dữ kiện mà học viên phải liệt kê, phải điền (vào chỗ trống) nên có từ 3-5 là vừa phải. Nếu có từ 4-5 đáp án phải điền thì có thể cho sẵn một đáp án, điều đó có giá trị về tâm lý (còn đáp án đã cho tất nhiên là không được tính điểm) – như thí dụ trên. 
– Dạng rà quét 2 tầng: thường dùng để đánh giá kiến thức nhưng đòi hỏi sâu hơn, phải phân tích để lựa chọn câu trả lời cho phù hợp. 
Thí dụ:
Nêu 2 nét đặc trưng của phương pháp dạy học chủ động: 
A……….
B……….
–  Dùng tranh, sơ đồ, biểu đồ câm từ đơn giản đến phức tạp để cấu trúc thành test. Có thể cấu tạo như sau (theo 3 mức): 
– Tranh, sơ đồ vẽ, trình bày hoàn chỉnh: 
Không chú thích. 
Chú thích một phần. 
Nhiệm vụ học viên: chú thích đầy đủ. 
– Tranh, sơ đồ vẽ chưa hoàn chỉnh: 
Nhiệm vụ học viên: vẽ hoàn chỉnh. 
– Yêu cầu học viên vẽ hoàn toàn tranh, sơ đồ và chú thích. 
b) Hướng dẫn trả lời
Do có nhiều cấu trúc khác nhau nên tùy từng cấu trúc mà viết hướng dẫn trả lời cho phù hợp. Chúng tôi nêu một số hướng dẫn để tham khảo: 
– Liệt kê (kể), nêu…
– Tìm từ hoặc cụm từ để điền vào chỗ trống trong câu (các câu) sau đây cho hoàn chỉnh. Nếu nhiều câu thì nói rõ từ câu số … đến câu số….. Nếu học viên trả lời trực tiếp vào câu hỏi thì chỗ để trống phải vừa đủ để điền từ (hoặc cụm từ) một cách thoải mái, không để khoảng trống quá hẹp và quá rộng vì sẽ gây nhiễu về tâm lý cho học viên. 
– Chọn từ, cụm từ thích hợp trong các từ, cụm từ đã cho để điền vào chỗ trống trong câu (các câu) sau đây để hoàn chỉnh câu. Nếu nhiều câu thì nói rõ từ câu số…. đến câu số…
– Chú thích hình vẽ (sơ đồ) sau.
– Vẽ tiếp hình sau (hình số…….) cho hoàn chỉnh. 
– Vẽ tiếp sơ đồ sau (sơ đồ số….) cho hoàn chỉnh. 
c) Ưu, nhược điểm chính 
– Ưu điểm: 
Dễ viết câu hỏi, nhất là dạng điền chỗ trống, rà quét. 
Phong phú, gây hứng thú cho học viên vì có nhiều dạng, không đơn điệu. 
Có thể đánh giá kiến thức qua viết, vẽ, trình bày trên biểu đồ – bảng biểu. 
– Nhược điểm: 
Đáp án có thể có nhiều từ, cụm từ đồng nghĩa gây khó chấm, chấm lâu, chấm có thể không chính xác…
Thường là trả lời ngắn và nhanh nên chủ yếu là đánh giá trí nhớ (thuộc). 
Phức tạp nếu dùng hình vẽ, sơ đồ vì đòi hỏi phải thật chuẩn mực. 
Chấm lâu hơn so với câu hỏi Đ/S và câu hỏi lựa chọn. 
5. Dùng nghiên cứu tình huống để đánh giá
Để đánh giá khả năng: tư duy, ra quyết định, giải quyết vấn đề… nên sử dụng nghiên cứu tình huống để đánh giá. 
Cấu trúc: thân câu hỏi là một nghiên cứu tình huống, viết như viết nghiên cứu tình huống để dạy học, nhưng vì để đánh giá nên cần trau chuốt hơn để đảm bảo phẩm chất của test, độ khó và tính phân biệt, nghĩa là phải có suy nghĩ – nghiên cứu thì mới có thể trả lời được. 
Dưới thân câu hỏi (nghiên cứu tình huống) có thể dùng các loại test Đ/S, câu hỏi lựa chọn hoặc câu hỏi ngỏ ngắn để yêu cầu học viên làm bài. 
Ở những lớp trên, bậc đào tạo cao hơn nên sử dụng loại này để đánh giá là rất phù hợp, vì đánh giá được khả năng phát hiện, khả năng giải quyết vấn đề. 
6. Dùng test để đánh giá và cấu trúc đề
Tùy theo thời điểm đánh giá: đánh giá trong khi học, đánh giá cuối bài, đánh giá hết môn (thi chứng chỉ), đánh giá cuối cùng (thi tốt nghiệp). tùy theo loại và số lượng test đã có … mà cấu trúc đề cho phù hợp. Đánh giá cuối bài, cuối chương, tự đánh giá thì nên dùng nhiều loại cho phong phú, sinh động, đỡ đơn điệu. Về đề thi cần lưu ý: 
1) Kiểm tra câu hỏi và đáp án để đảm bảo không sai sót. 
2) Tập cho học viên quen làm các loại test trong quá trình dạy học. 
3) Phát triển ngân hàng test đủ mạnh về số lượng và phẩm chất. 
4) Thử nghiệm để đảm bảo kết quả đánh giá theo phân phối chuẩn. 
5) Xây dựng phương án cấu trúc, sắp xếp test trong mỗi đề đánh giá.
6) Thiết kế phiếu làm bài. 
7) Nếu có thể được, lập trình để có hàng loạt đề (hàng chục, hàng trăm đề không giống nhau), chuẩn bị phương thức thi trên máy tính. 
8) Về số loại test sử dụng, có nhiều cách cấu trúc: 
– Mỗi đề chỉ dùng một loại test. Loại đề này thường dùng câu hỏi lựa chọn hoặc Đ/S. Nếu có đủ thì nên dùng câu hỏi lựa chọn là tốt nhất. 
– Dùng nhiều dạng test trong một đề: 
Có thể sử dụng câu hỏi lựa chọn, câu hỏi Đ/S, câu hỏi ngỏ ngắn với các dạng khác nhau để cấu trúc một đề thi, nhưng cần chú ý về tỷ lệ giữa các loại và cách sắp xếp. 
Về tỷ lệ, không có quy định cụ thể, tùy ngân hàng test có trong tay mà cấu trúc. Nguyên tắc chung là: càng nhiều câu hỏi lựa chọn càng tốt, càng ít câu ngỏ ngắn càng hay. Một thí dụ, giả định chất lượng các test tốt như nhau thì tỷ lệ khung như dưới đây trong tình hình hiện nay là chấp nhận được. 
Câu hỏi lựa chọn, chiếm từ 60% trở lên. 
Câu hỏi Đ/S, 30% trở xuống. 
Câu hỏi ngỏ ngắn, 10% trở xuống. 
Ở đây vấn đề cần quan tâm là chất lượng của test chứ không phải là loại test và tỷ lệ. 
Về số lượng test trong một đề: dùng test để đánh gía thì mỗi đề hàng trăm test (thường là khoảng 100-300 test) tùy theo loại đánh giá. 
Thời gian làm bài cho mỗi test, khoảng 20-30 giây. 
Nguồn: nhà xuất bản quân đội nhân dân
vì sao bệnh khó nói ở nam giới chữa hoài không khỏi