Đặt vấn đề:
Nói là gieo, nghe là gặt, Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương,…- kinh nghiệm của người đi trước thường rất đề cao vai trò của sự lắng nghe trong giao tiếp.
Quá trình dạy học cũng là giao tiếp – một cuộc giao tiếp đặc thù giữa thầy và trò. Cho nên, có thể nói, lắng nghe trong dạy học cũng là một kỹ năng quan trọng, cần thiết và mang tính đặc thù.
Nội dung chính:
Đề tài Kỹ năng lắng nghe trong dạy học được triển khai với bốn luận điểm:
Thế nào là lắng nghe?
Tầm quan trọng của lắng nghe và lắng nghe trong dạy học
Nguyên nhân lắng nghe chưa hiệu quả trong dạy học
Một số kỹ năng lắng nghe trong dạy học
Nội dung
1. Thế nào là lắng nghe
Hãy nhắm mắt lại một phút, bạn nghe được gì? Những gì bạn nghe được gọi là nghe thấy. Nghe thấy là quá trình sóng âm đập vào màng nhĩ và chuyển lên não. Nghe thấy là quá trình hoàn toàn tự nhiên từ khi bạn sinh ra đã như vậy rồi, kể cả khi bạn ngủ.
Hãy nhắm mắt lại và nghe xem người ở phòng bên cạnh đang nói gì. Đây chính là quá trình lắng nghe. Quá trình này nối tiếp quá trình nghe thấy, nó biến sóng âm thành ngữ nghĩa. Qua trình này đòi hỏi sự tập trung chú ý rất cao.
Như vây, lắng nghe là quá trình tập trung chú ý để giải mã sóng âm thanh thành ngữ nghĩa.
2. Tầm quan trọng của lắng nghe lắng nghe trong dạy học
Quá trình giao tiếp chỉ có thể được diễn ra và được duy trì khi có Thông điệp. Thông điệp là điều người nói muốn gửi và trong lời nói của mình (ý) được người nghe tiếp nhận (ý nghĩa). Bản thân sự xuất hiện và tồn tại thông điệp phải nhờ vào sự lắng nghe. Như vậy, lắng nghe chính là khâu mấu chốt của giao tiếp, không có lắng nghe thì không có giao tiếp.
Lấy học trò làm trung tâm – đó chính là đặc trưng cơ bản của phương pháp dạy học hiện đại. Trong đó, học trò luôn được phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Học trò chính là chủ thể đi thâm nhập, khám phá kiến thức và có trách nhiệm với việc học của chính mình. Để đạt được điều đó, trong dạy học, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, gợi mở, cho học trò phương pháp để khám phá, sáng tạo kiến thức. Giáo viên sẽ nói ít hơn. Và như vậy, sự lắng nghe học trò càng trở nên quan trọng.
3. Nguyên nhân lắng nghe chưa hiệu quả
Sự lắng nghe là một điều tất yếu trong dạy học. Nhưng không phải ai và không phải lúc nào sự lắng nghe ấy cũng đạt hiệu quả cao, đặc biệt là đúng với tinh thần đổi mới giảng dạy. Có thể khái quát một số nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, chúng ta còn ảnh hưởng nhiều của quan niệm dạy học truyền thống: giáo viên là người “rót” kiến thức, học trò lắng nghe, ghi chép một cách thụ động mà không có sự tương tác hai chiều. Giảng viên chưa thực sự tạo điều kiện cho sinh viên nói lên những suy nghĩ của mình.
Thứ hai, giảng viên đã tạo điều kiện cho sinh viên bày tỏ ý kiến, quan điểm nhưng tầm nhận thức, tốc độ tư duy của giảng viên và sinh viên có những khoảng cách nhất định. Thông thường, giảng viên là người có trình độ, sự hiểu biết cao hơn, làm chủ kiến thức; tốc độ xử lý thông tin của bộ não cũng nhanh hơn tốc độ của lời nói. Do vậy, giảng viên sẽ thiếu sự chú ý, coi trọng đến lời nói của sinh viên. Ta hãy hình dung hai mẹ con cùng bước đi, nếu con bước chậm hơn thì mẹ phải bước chậm lại hoặc phải biết cách dìu dắt con cùng bước cho kịp với mình. Lắng nghe cũng tương tự như thế.
Thứ ba, do thiên kiến, sự ích kỷ hay vị kỷ. Trước một tình huống đặt ra, giảng viên chỉ coi trọng quan niệm hay ý kiến chủ quan của mình, lúc nào cũng chỉ nghĩ mình đúng và sẽ bác bỏ mọi ý kiến không giống mình. Điều này rất không tốt cho dạy học.
Thứ tư, giảng viên nghe một cách có chọn lọc. Trong phần trả lời, thuyết trình,… của sinh viên, giảng viên chỉ nghe một hoặc vài từ/câu/ý mà mình cho là đúng. Điều này đồng nghĩa với không phải giảng viên lắng nghe sinh viên nói mà là lắng nghe những gì giảng viên nghĩ đáng ra sinh viên cần phải nói. Để dạy học có hiệu quả, điều quan trọng không phải sinh viên nói gì mà quan trọng là qua lắng nghe những điều sinh viên nói, giảng viên sẽ xác định được nhận thức của sinh viên đến đâu, qua đó có phương pháp tác động nhằm nâng cao tầm nhận thức cho sinh viên.
4. Một số kỹ năng lắng nghe trong dạy học
Trước tiên, khi bắt đầu buổi học, bạn hãy tạo một không khí thật bình đẳng, cởi mở, tạo cho sinh viên một tâm thế thoải mái để trong giao tiếp với giảng viên, sinh viên có thể tự tin trình bày những suy nghĩ của mình.
Sau khi tạo không khí, bạn hãy bộc lộ sự quan tâm của mình với sinh viên bằng: tư thế dấn thân (nghiêng về phía sinh viên), mắt nhìn một cách nhẹ nhàng (và có thể nhìn bao quát lớp xem sự theo dõi, thái độ của lớp đối với những ý kiến của sinh viên đang trình bày như thế nào),…
Trong khi lắng nghe, giảng viên nên tỏ ra mình nắm vững vấn đề, am hiểu điều mà sinh viên đang nói tới (Cô/Thầy hiểu, Cô/Thầy hiểu vì sao em lại nói vậy,…), phản hồi một cách tích cực bằng lời nói (Đúng rồi, Rất đúng,Rất giỏi, Thầy/Cô ghi nhận, Còn gì nữa không em?,…), nên khen, khích lệ khi sinh viên nói đúng, động viên khi sinh viên e ngại, ngập ngừng,…. Tuyệt đối tránh bác bỏ, tranh cãi với sinh viên; nếu sinh viên nói chưa đúng thì bạn không nên phê bình Em nói sai rồi! mà nên nói là Ý này chưa được đúng lắm! Hoặc Em có hướng suy nghĩ nào khác không? Thỉnh thoảng, giảng viên nên đặt câu hỏi gợi mở theo từng cấp độ để dẫn dắt sinh viên đi tới vấn đề.
Khi chuẩn bị bài giảng và trong khi lắng nghe, giảng viên nên đoán trước (dự kiến) những điều sinh viên sẽ nói. Nhưng sau khi nghe sinh viên nới, giảng viên cần suy nghĩ thật kỹ để có phản hồi cho phù hợp.
Bạn nên kiên nhẫn và khách quan trong khi lắng nghe sinh viên, không nên nóng vội và ngắt lời sinh viên. Nếu thời lượng không đủ cho sinh viên tiếp tục trình bày, tranh luận thì nên khéo léo chốt lại vấn đề, hứa hẹn tạo cơ hội cho sinh viên thảo luận, trình bày trong một dịp khác (buổi học khác, qua mail, điện thoại, …).
Sau khi lắng nghe là sự phản ánh lại. Giảng viên hãy tóm lược lại những ý chính trong phần trình bày của sinh viên, hỏi lại sinh viên để xác minh, làm rõ những điều giáo viên nghe chưa thật rõ (Tóm lại, em muốn nói ba ý chính: Một là,….; hai là,…; ba là,….đúng không? Em muốn nói là…. phải không?;….). Điều đó cho biết giáo viên đã hiểu sinh viên như thế nào và sinh viên cũng biết là giáo viên đã rất quan tâm lắng nghe mình. Đó là một khích lệ rất lớn cho sinh viên và chắc chắn lần sau sinh viên sẽ mạnh dạn, hào hứng hơn rất nhiều trong việc thể hiện ý kiến cá nhân.
Cuối cùng, bạn nên đạt tới cấp độ nghe thấu cảm, không chỉ là nghe một cách chăm chú mà giảng viên còn đặt mình vào vị trí của sinh viên để hiểu sinh viên (sinh viên có suy nghĩ gì về vấn đề này, sinh viên có ý kiến gì, sinh viên có mong muốn gì, có nhu cầu gì cả về tâm tư nguyện vọng, cả về kiến thức,…).
Kết luận:
Lắng nghe trong dạy học không chỉ là sự lắng nghe những ý kiến phát biểu trực tiếp của sinh viên. Sự lắng nghe còn mang nghĩa rộng, là sự tạo điều kiện và sự xử lý tốt tất cả những thông tin mà giảng viên tiếp nhận được khi sinh viên thể hiện suy nghĩ, hoạt động,… của mình. Sự lắng nghe sinh viên sẽ là một phương pháp cơ bản, hữu hiệu để giảng viên đánh giá đúng năng lực hiện có của sinh viên và tìm đúng cách tác động nhằm nâng cao năng lực đó. Giảng viên sẽ làm tốt điều đó nhờ vào niềm tin, sự tôn trọng, tinh thần dân chủ và tâm huyết với học trò.
Nguồn: giáo dục nghề nghiệp