Giáo dục

Chuẩn đầu ra giáo dục nghề nghiệp – Khung khái niệm và quy trình xây dựng

Chuẩn đầu ra giáo dục nghề nghiệp – Khung khái niệm và quy trình xây dựng
Tóm tắt: Chuẩn đầu ra là thuật ngữ quen thuộc đối với giáo dục đại học nhưng dường như còn rất mới đối với giáo dục nghề nghiệp trên bình diện lý luận và thực tiễn đào tạo tại Việt Nam. Bài viết trình bày khung khái niệm, từ đó đề xuất một quy trình xây dựng chuẩn đầu ra GDNN trong bối cảnh của Việt Nam vừa mới ban hành khung trình độ quốc gia và ASEAN đã có Khung Tham chiếu trình độ khu vực.
1. Đặt vấn đề
Tại Việt Nam, hiện nay mới chỉ có các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và tuyên bố chuẩn đầu ra như là sự cam kết của nhà trường về kiến thức, kĩ năng, thái độ, hành vi sinh viên phải đạt được và vị trí công tác sinh viên có thể đảm nhận khi tốt nghiệp ở một ngành đào tạo hoặc ở một chương trình đào tạo. Tuy nhiên, việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo đại học thực hiện trong bối cảnh Việt Nam chưa có khung trình độ quốc gia (KTĐQG) và cũng chưa xác định rõ cách thức và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện. Về bản chất, các chuẩn đầu ra dường như là “kỳ vọng” mà chưa thật sự là “cam kết” như cách tuyên bố của các trường. Mặt khác, không thể cùng đào tạo một ngành/chuyên ngành mỗi trường lại có chuẩn đầu ra khác nhau. Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chưa thực sự tiếp cận chuẩn đầu ra. Vậy tại sao phải xây dựng chuẩn đầu ra? Cơ sở xây dựng chuẩn đầu ra GDNN là gì và theo quy trình, phương pháp nào?
2. Khung khái niệm
Trên thế giới hiện nay, chuẩn đầu ra (learning outcomes) được sử dụng ngày càng phổ biến trong việc phát triển các khung trình độ và hệ thống trình độ quốc gia, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn nghề, hướng nghiệp và tư vấn nghề. Mục đích chính sử dụng chuẩn đầu ra nhằm gắn kết tốt hơn giáo dục đào tạo với thị trường lao động và việc làm (tiêu chuẩn nghề, hồ sơ nghề nghiệp), đem đến nhiều cơ hội hơn để công nhận thành quả học tập của các trình độ ngoài chính quy, tạo sự linh hoạt và trách nhiệm hơn đối với hệ thống giáo dục và đào tạo (Mike Coles and Andrea Bateman, 2015). Khung Tham chiếu Trình độ ASEAN (AQRF) đã sử dụng chuẩn đầu ra như một cách tiếp cận đơn nhất để các nước thành viên có thể tham chiếu trình độ trong nội khối ASEAN.
Một số định nghĩa về chuẩn đầu ra:
– Sự khẳng định của những điều kỳ vọng, mong muốn một người tốt nghiệp có khả năng LÀM được nhờ kết quả của quá trình đào tạo (Jenkins and Unwin, 2001).
– Lời khẳng định của những điều mà chúng ta muốn sinh viên của chúng ta có khả năng làm, biết, hoặc hiểu nhờ hoàn thành một khóa đào tạo (Đại học New South Wales, Úc).
– Toàn bộ thông tin, kiến thức, sự hiểu biết, giá trị, kỹ năng, năng lực hoặc hành vi đòi hỏi một người làm chủ được nhờ vào việc hoàn thành một chương trình giáo dục (UNESCO, 2011).
Một cách phổ biến trên thế giới hiện nay (và cũng được ASEAN sử dụng khi xây dựng AQRF), chuẩn đầu ra là một bản diễn giải rõ ràng về những thứ mà người học kỳ vọng được biết, hiểu và/ hoặc làm như là kết quả của một quá trình học tập.
Khái niệm chuẩn đầu ra dường như đều được định nghĩa một cách đơn giản, song tùy vào bối cảnh và/hoặc góc độ khác nhau việc sử dụng chuẩn đầu ra lại có những hình thái biểu đạt theo mục đích cụ thể (Mike Coles and Andrea Bateman, 2015). Chẳng hạn:
– Trong tiêu chuẩn nghề nghiệp: Để xác định các công việc và mong đợi của nghề. Là cơ sở xác định thực hành công việc, đào tạo thường xuyên, tuyển dụng, hệ thống đánh giá năng lực hành nghề, đối thoại xã hội. Tiêu chuẩn nghề nghiệp cũng được sử dụng để định nghĩa các trình độ GDNN.
– Trong chương trình đào tạo: Để xác định kết quả mong đợi của mỗi hoạt động học tập. Hướng dẫn giáo viên trong quá trình dạy học, lựa chọn phương pháp,… Thông tin đến người học họ được yêu cầu khả năng làm được, hiểu biết gì sau một hoạt động học.
– Trong tiêu chí đánh giá: Để xác định những gì cần đánh giá và bảo đảm rằng chuẩn đầu ra (một trình độ hoặc một hoạt động học tập/mô đun) đã được đáp ứng. Tạo sự đồng nhất trong việc đánh giá năng lực người học.
– Trong hệ thống các văn bằng trình độ: Để xác định mong đợi chung đối với một người sở hữu văn bằng. Thông tin đến bên sử dụng lao động khi tuyển dụng một người sở hữu văn bằng. Thông tin đến người học trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp, và do đó cũng dùng cho người làm hướng nghiệp.
– Trong khung trình độ: Để xác định mức độ học tập và phân loại các hình thức và loại trình độ trong khung theo các bậc trong một quốc gia. Tăng sự hiểu biết giữa các nước về các bậc trình độ quốc gia.
Chuẩn đầu ra GDNN
Chuẩn đầu ra tương ứng với mỗi trình độ GDNN là sự công khai hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn nhằm bảo đảm và khẳng định về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cả về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm, vị trí và khả năng đảm đương công việc của sinh viên tốt nghiệp. Chuẩn đầu ra là cơ sở để xây dựng chương trình, thiết kế nội dung và tổ chức các hoạt động đào tạo và cam kết về chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo đó. Chuẩn đầu ra chung (xác định chất lượng kết quả đào tạo ở mức cần thiết chung) được ban hành sẽ tạo khung tiêu chuẩn thiết yếu giúp cho các cơ sở GDNN xây dựng chuẩn đầu ra cho từng môn học, mô đun hoặc cho các chuyên ngành chuyên sâu, đặc thù. Việc xây dựng chuẩn đầu ra cũng làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên, đặc biệt là xác định và đánh giá những gì sinh viên thể hiện được.
Xây dựng chuẩn đầu ra còn giúp cho việc tổ chức, thiết kế toàn bộ trình độ GDNN, bảo đảm tính thống nhất và sự liên thông giữa các bậc đào tạo từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Đồng thời, chuẩn đầu ra còn làm cơ sở đánh giá và chứng nhận chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN.
Có thể nói, chuẩn đầu ra GDNN là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp và những phẩm chất khác mà người học cần phải đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở mỗi cấp trình độ, mỗi ngành, nghề đào tạo; được cơ sở GDNN cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện.
2. Quy trình và phương pháp xây dựng chuẩn đầu ra các trình độ GDNN
Chuẩn đầu ra các trình độ GDNN được xây dựng dựa trên căn cứ: mô tả trình độ của khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; mô tả bậc trình độ trong KTĐQG và quy định mục tiêu đối với từng trình độ theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong quá trình nghiên cứu thí điểm xây dựng chuẩn đầu ra các trình độ trung cấp và cao đẳng Quản trị khách sạn và Công nghệ thông tin chúng tôi đề xuất quy trình ba bước căn bản như sau (Hình 1).
Hình 1: Quy trình xây dựng chuẩn đầu ra các trình độ giáo dục nghề nghiệp
Bước 1: Xác định phạm vi, vị trí việc làm trong nghề tương ứng với trình độ đào tạo
Phạm vi và vị trí việc làm trong nghề dựa trên chủ yếu là tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đã ban hành, đặc biệt là nội dung mô tả nghề. Mặc dù chưa đối sánh bậc trình độ kỹ năng nghề quốc gia với bậc trong KTĐQG song dựa trên mô tả trình độ có thể thấy đầu ra cao đẳng hướng đến bậc 3, trung cấp hướng đến bậc 2 khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia. Đồng thời, dựa trên mục tiêu chung của GDNN, mục tiêu cụ thể đối với trình độ trung cấp và cao đẳng kết hợp với mô tả chuẩn đầu ra bậc 4 (trung cấp) và bậc 5 (cao đẳng) của KTĐQG để định vị đầu ra phạm vi và vị trí việc làm trong nghề của mỗi trình độ. Các chương trình đào tạo liên quan đã có cũng cần được tham khảo để tìm ra những điểm chung và khác biệt giữa trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, giữa cao đẳng và cao đẳng nghề, và giữa các trình độ trên với hai trình độ GDNN hiện hành.
Bước 2: Xác định đầu ra kiến thức, kỹ năng, thái độ, mức độ tự chủ và trách nhiệm chung cho trình độ đào tạo
Tiếp cận chuẩn đầu ra có nghĩa rằng việc thiết kế chương trình, nội dung, tổ chức, đánh giá dựa trên phân tích kiến thức, kỹ năng, thái độ và định hướng giá trị mà cả sinh viên và xã hội đều cần. Như thế, khả năng thể hiện học tập là điểm cốt yếu (Declan Kennedy và cộng sự, 2006). Theo đó, những câu hỏi chuẩn đầu ra phải giải quyết bao gồm:
Ø Những kiến thức, kỹ năng, thái độ và định hướng giá trị mà một sinh viên  tốt nghiệp chương trình của chúng ta sẽ thể hiện?
Ø Họ sẽ có khả năng thể hiện như thế nào?
Ø Chương trình của chúng ta chuẩn bị tốt thế nào cho sinh viên về nghề nghiệp, tốt nghiệp, nghiên cứu chuyên nghiệp hoặc học tập suốt đời?
Ø Chúng ta sẽ sử dụng những đánh giá nào để chứng thực sự tăng tiến kiến thức, kỹ năng, thái độ và định hướng giá trị của sinh viên trong tiến trình học tập?
Tổ hợp yêu cầu đầu ra phạm vi và các vị trí việc làm trong nghề để xác định điểm đặc trưng, diện và chiều sâu của mỗi trình độ đào tạo về kiến thức, kỹ năng, thái độ, mức độ tự chủ và trách nhiệm. Chuẩn đầu ra theo KTĐQG bao gồm kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết; kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử; mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
 Bước 3: Biên soạn chuẩn đầu ra trình độ đào tạo theo mẫu định dạng
Đặc điểm của chuẩn đầu ra tốt, đó là:
– Xác định mức độ, tiêu chí hoặc tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng, khả năng hoặc định hướng giá trị mà sinh viên phải thể hiện;
– Bao hàm các điều kiện để sinh viên có khả năng thể hiện kiến thức, kỹ năng, khả năng hoặc thiên hướng;
– Chứa các động từ thể chủ động;
– Đo lường được;
– Diễn đạt đầu ra lượng hóa được bởi không chỉ một phương pháp đánh giá;
– Viết sao cho không ôm đồm các thành phần của một kết quả đầu ra làm cho không thể đánh giá được bằng một phương pháp.
Cấu trúc chuẩn đầu ra của một ngành nghề đào tạo ở mỗi trình độ bao gồm các nội dung chính như sau:
a) Tên ngành nghề đào tạo: tiếng Việt và tiếng Anh;
b) Trình độ đào tạo: trung cấp hoặc cao đẳng;
c) Kiến thức: kiến thức lý thuyết, kiến thức thực tế.
d) Kỹ năng:
– Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề.
– Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng ngoại ngữ, tin học,…
e) Yêu cầu về thái độ, định hướng giá trị
– Phẩm chất đạo đức, ý thức và tác phong nghề nghiệp, thái độ phục vụ, trách nhiệm công dân;
– Thiên hướng phát triển nghề nghiệp;
f) Kiến thức pháp luật, chính trị, quốc phòng… (theo quy định chung).
g) Vị trí việc làm người học sau khi tốt nghiệp có thể đảm đương.
h) Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường.
Chuẩn đầu ra cung cấp những đặc trưng cần thiết cho phép sinh viên biết đó là những thứ họ sẽ học, và để đạt mức độ đặc trưng đó thông thường cần lặp lại quá trình trên nhiều lần. Chẳng hạn, trong khi phân tích yêu cầu kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ trách nhiệm cụ thể theo chức năng vị trí việc làm sẽ quay lại điều chỉnh đầu ra kiến thức, kỹ năng, thái độ, mức độ tự chủ trách nhiệm chung cho trình độ đào tạo, hoặc điều chỉnh phạm vi, diện và chiều sâu của trình độ đào tạo. Tất cả các bước trong quy trình đều phải tham vấn chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo, đặc biệt là đại diện bên sử dụng lao động và doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhà trường sẽ tự chủ về chương trình đào tạo. Xây dựng các chương trình đào tạo theo năng lực hành nghề dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, hoặc xác định chuẩn đầu ra theo ngành nghề và vị trí việc làm ứng với từng trình độ. Với định hướng phát triển các chương trình tiếp cận chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế thì KTĐQG và Khung tham chiếu trình độ ASEAN cần được tiếp cận, nghiên cứu và ứng dụng ở tất cả các khâu đào tạo bao gồm đầu vào, quá trình và đánh giá để bảo đảm chuẩn đầu ra theo cam kết của nhà trường với người học, người sử dụng lao động, nhà nước và toàn xã hội./.
TS. Nguyễn Quang Việt
Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Khoa học Dạy nghề số 40+41 tháng 01/2017
vì sao bệnh khó nói ở nam giới chữa hoài không khỏi