PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC NGHIÊN CỨU TÌNH HUỐNG, GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Trong thực tế làm việc , học viên thường phải tiếp xúc với các “tình huống”, “vấn đề” (những khó khăn cần giải quyết…); nhưng khi học tập, Học viên chỉ được dạy các theo các môn học riêng rẽ, ít có dịp luyện tập giống như trong thực tế, các năng lực đòi hỏi lồng ghép nhiều kiến thức, kỹ năng, thái độ thuộc các lĩnh vực khác nhau. Nhiều vấn đề thực tiễn không giống như khi học, hoặc chưa có giải pháp khuôn mẫu, nên học viên sau tốt nghiệp thường lúng túng, nhất là trong ra quyết định xử lý tình huống.
Hiện nay, có một số phương pháp dạy cho học viên năng lực xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, đang được sử dụng phổ biến ở các nước phát triển, hiện đã bắt đầu được vận dụng ở một số cơ sở đào tạo trong nước. Dưới đây là một số phương pháp cụ thể.
I. DẠY HỌC QUA NGHIÊN CỨU TÌNH HUỐNG
1. Khái niệm
a) Tình huống là những sự kiện, vụ việc, hoàn cảnh có mâu thuẫn, có vấn đề cần được giải quyết.
b) Tình huống “có vấn đề”: là trở ngại về trí tuệ của con người, xuất hiện khi ta chưa biết cách giải thích hiện tượng, sự việc hay một quá trình nào đó của thực tế.
c) Tình huống dạy học: mô tả những sự kiện, hoàn cảnh có thực hoặc hư cấu nhằm đạt những mục tiêu, mục đích dạy học.
d) Dạy học qua (bằng) nghiên cứu tình huống: dạy học dựa trên tình huống có thật hoặc giống như thật, đòi hỏi người học phải tìm hiểu, suy nghĩ, đề ra được quyết định thích hợp nhất.
Nghiên cứu tình huống còn gọi là nghiên cứu trường hợp điển hình (case study) là một trong những phương pháp dạy học chủ động, được sử dụng ngày càng phổ biến, nhằm khắc phục tình trạng thực tế là trong quá trình học tập, người học không được tự ra các quyết định; nên khi ra thực tiễn sẽ lúng túng, thiếu suy nghĩ, cân nhắc, không đề ra được quyết định hợp lý khi thực hiện nhiệm vụ theo chức trách đảm nhiệm.
2. Yêu cầu khi biên soạn tình huống, phân loại tình huống
a. Yêu cầu khi biên soạn tình huống
Tình huống được biên soạn cần đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Tình huống phải mang tính thời sự, sát với thực tế; phải chứa đựng thông tin đầy đủ, buộc người học phải sử dụng thông tin trong tình huống để giải quyết vấn đề. Trong tình huống phải cung cấp đầy đủ các dữ liệu cần thiết như thời gian, địa điểm, những nguyên nhân phát sinh sự kiện, vấn đề.
+ Tình huống đưa ra phải thể hiện những thách thức thực sự đối với người học, phải tạo ra khả năng để người học đưa ra nhiều giải pháp, để thu hút sự chú ý, kích thích tư duy, tình huống phải “có vấn đề” và không có câu trả lời duy nhất đúng cho vấn đề đó. Các nhân vật, sự kiện trong tình huống có tính hiện thực.
+ Tình huống đưa ra phải có tính phức tạp vừa đủ, buộc người học phải suy nghĩ, vận dụng khả năng trí tuệ để giải quyết. Một tình huống có thể rất dài, phức tạp hoặc rất ngắn gọn và đơn giản. Độ dài và độ phức tạp của tình huống không phụ thuộc vào mục tiêu giảng dạy mà giảng viên đề ra. Nói chung, độ dài của tình huống không quyết định mức độ phức tạp của tình huống. Tuy nhiên, giảng viên có thể tạo ra các nhân vật, sự kiện, bổ sung thông tin để phục vụ cho mục tiêu giảng dạy của mình.
+ Nội dung tình huống phải phù hợp với trình độ của người học. Khi viết hoặc lựa chọn tình huống cần lưu ý tới trình độ và kinh nghiệm của người học. Không nên đưa ra tình huống phức tạp, cao hơn khả năng của người học và ngược lại. Điều này có thể làm cho người học nản lòng và không muốn tham gia. Giảng viên cần kiểm tra kỹ các nguồn thông tin trong tình huống, vì có thể người học có nhiều kinh nghiệm liên quan tới tình huống sẽ có thể nhận ra những thông tin không chính xác.
b. Phân loại tình huống
Có nhiều loại tình huống và mục đích sử dụng khác nhau. Có thể xếp các loại tình huống theo mức độ phức tạp dần như sau:
Các tình huống chứng minh;
Các tình huống mô tả.
Tình huống đề cập tới một vụ việc.
Tình huống nêu ra vấn đề phải giải quyết.
Tình huống có tính chất tổng hợp.
Tình huống có tính chất tham gia trình diễn.
Tình huống chứng minh: là một câu chuyện được đặt ra, không dựa vào một hoàn cảnh hoàn toàn có thực, mà chỉ có mục đích nói lên một sự thực mà tác giả muốn diễn tả. Những tình huống này không có gì để bàn cãi, vì người học hoặc chấp nhận sự thật hoặc không.
Tình huống mô tả: trình bày tất cả những gì xảy ra, kể cả hậu quả. Loại tình huống này phù hợp với những học viên ít kinh nghiệm, nó được thảo luận trên cơ sở đã hiểu rõ những yếu tố, liên hệ lại những nguyên tắc sẵn có.
Tình huống đề cập tới một vụ việc: là hình thức thông thường nhất của các dạng bài tập tình huống. Loại tình huống này có thể có nhiều hoặc ít thông tin, dữ kiện, nhưng luôn luôn chứa đựng một khó khăn cấp thiết, khó giải quyết. Cuộc thảo luận tình huống loại này thường hướng về hậu quả của những giải pháp do học viên đề nghị.
Tình huống nêu ra vấn đề phải giải quyết: khác với tình huống về một vụ việc ở chỗ, vấn đề không được nói rõ ra. Việc đầu tiên của người học là phải tìm ra vấn đề. Với loại tình huống nêu vấn đề, thông thường người học được chỉ định thực hành những điều do tình huống đưa ra.
Tình huống tổng hợp: khá phức tạp về tình tiết. Nó chứa đựng nhiều tình huống về một vụ việc. Những vấn đề và những khó khăn liên hệ chặt chẽ với nhau. Tình huống tổng hợp đòi hỏi người học phải hoạch định việc nghiên cứu của mình và hợp tác với những người khác để làm sao thảo luận giải quyết vấn đề cho có hiệu quả. Loại tình huống này đòi hỏi phải danh từ một đến vài buổi để nghiên cứu và thảo luận. Chỉ sử dụng tình huống tổng hợp cho những người học đã khá quen thuộc với các tình huống hai loại trên hoặc cho những người có kinh nghiệm.
Tình huống trình diễn: là loại tình huống tổng hợp, trình bày thông qua các vai diễn. Người học và giảng viên đều tham dự vào việc đóng các vai của tổ chức đã thể hiện, trở thành những người trong cuộc.
3. Điều kiện áp dụng
Để thực hiện phương pháp dạy học bằng nghiên cứu tình huống, cần có các điều kiện sau:
a) Người học đã được chuẩn bị trước về kiến thức, đã được học hay tự học về nội dung cơ bản của tình huống nghiên cứu và cách ra quyết định khi nghiên cứu tình huống.
b) Người viết, hướng dẫn sử dụng nghiên cứu tình huống phải nắm vững kiến thức cơ bản chung về nội dung của nghiên cứu tình thuống, tốt nhất là đã gặp và giải quyết tốt tình huống được nêu để đảm bảo tình huống đó có đầy đủ các dữ kiện và giống như trong thực tế đã có (tình huống phải sát với thực tế).
c) Dữ kiện phải đủ thông tin (không thừa, không thiếu, không “bẫy” người học). Tình huống phải được viết, in, phát cho từng người (hoặc chiếu toàn bộ lên màn hình) để người học có thể tự học, có điều kiện suy nghĩ, nghiên cứu, cân nhắc khi ra quyết định; không thể yêu cầu người học chỉ nghe đọc thoáng qua mà ra ngay quyết định.
d) Nghiên cứu tình huống có thể do mỗi người học nghiên cứu ra quyết định, hoặc tiến hành thảo luận nhóm để lựa chọn hay đề ra quyết định; khi đề ra quyết định đúng sẽ sinh động, sôi nổi và có hiệu quả tốt. Cũng cần nhớ là nhóm càng nhỏ càng tốt.
4. Cách tiến hành dạy học bằng nghiên cứu tình huống
a) Nêu chủ đề.
b) Xác định mục tiêu học tập.
c) Nêu tình huống.
d) Nêu câu hỏi (để học viên ra quyết định). Có thể thực hiện theo hai cách:
Câu hỏi mở: Yêu cầu người học tự đề ra biện pháp để giải quyết vấn đề trong nghiên cứu tình huốn, giúp cho người học được chủ động, thoải mái hơn.
Giảng viên cần dự kiến trước các biện pháp mà người học sẽ đề ra để có thể hướng dẫn thảo luận hoặc giải đáp với các biện pháp chưa đúng, chưa hợp lý.
Câu hỏi đóng: Đề ra sẵn một số biện pháp để người học chọn ra biện pháp đúng, thích hợp nhất sau khi đã nghiên cứu, suy nghĩ trên các dữ kiện của tình huống đã cho.
Câu hỏi đóng thường được trình bày theo hai dạng:
– Đề ra hay 5 biện pháp, chọn lấy 1.
– Câu hỏi đúng/sai (Đ/S).
e) Dẫn dắt học viên thảo luận (tổ, nhóm học tập).
f) Tổng kết (theo mục tiêu học tập).
5. Quy trình biên soạn và dạy học theo phương pháp nghiên cứu tình huống
Quy trình biên soạn
– Xác định rõ mục tiêu học tập.
– Dành thời gian quan trọng cho việc thu thập, phân loại, phân tích những tình huống có thật liên quan đến bài giảng. Trường hợp cần thiết có thể hư cấu, nhưng cốt lõi của tình huống vẫn phải là có thật, như vậy việc tìm ra phương án xử lý mới mang tính hấp dẫn đối với người học.
Giảng viên cần cập nhật thông tin mới, thu thập những “tình huống mới có vấn đề” trong đời sống và trong sách báo nhằm xây dựng “ngân hàng” tình huống có liên quan đến nội dung bài học.
– Để khoảng 50% thời gian giới thiệu lý thuyết hoặc những nguyên tắc cơ bản của nội dung bài học (có thể hướng dẫn cho học viên tự học, giảng viên khái quát lại).
– Khoảng 40% thời gian người học nghiên cứu tình huống (nghiên cứu cá nhân và thảo luận nhóm); sau đó cử ra người trình bày cách xử lý tình huống, trao đổi ở tổ, lớp.
– Khoảng 10% thời gian, giảng viên tổng kết buổi trao đổi, củng cố nâng cao phần đã học.
6. Trường hợp vận dụng phương pháp dạy học bằng nghiên cứu tình huống.
– Dạy kỹ năng tư duy.
– Dạy kỹ năng ra quyết định.
– Dạy kỹ năng giải quyết vấn đề.
7. Lợi ích của việc dạy học bằng nghiên cứu tình huống
– Người học có điều kiện vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống, sự việc cụ thể xảy ra trên thực tế.
– Giúp người học làm quen với cách giải quyết tình huống cụ thể ngay trong quá trình học tập ở trường.
Dạy học liên quan đến tình huống hiện đang được áp dụng phổ biến tại các cơ sở đào tạo. Đây là các bài tập tư duy nhằm hình thành năng lực phân tích, ra quyết định xử lý của người học. Việc kết hợp các tình huống với công cụ mô phỏng sẽ làm tăng tính thuyết phục và đẩy nhanh tốc độ hình thành năng lực nghề nghiệp của người học, giúp người học có cảm giác “trải nghiệm” nghề nghiệp ngay tại nhà trường và có khả năng thích ứng với công việc ngay khi quá trình đào tạo kết thúc.
Nguồn: nhà xuất bản quân đội nhân dân