Bàn về
MỤC TIÊU DẠY HỌC
1. Khái niệm
Quá trình đào tạo trong nhà trường sẽ tạo ra sự phát triển nhân cách cho học viên. Ví dụ, sau 3 năm đào tạo tại Trường Cao đẳng quân y 1, một thanh niên trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh sẽ trở thành một điều dưỡng viên trình độ Cao đẳng. Kết quả của quá trình đào tạo sẽ đem lại sự thay đổi đã được định trước về nhân cách của học viên.
Mục tiêu dạy học là trạng thái phát triển nhân cách được dự kiến trước của học viên sau một quá trình đào tạo, dựa trên yêu cầu phát triển của đất nước, của thị trường lao động.
Trạng thái phát triển nhân cách được thể hiện ở phẩm chất và năng lực của người được đào tạo. Hệ thống phẩm chất và năng lực này lại thể hiện ở việc hoàn thành nhiệm vụ được giao sau khi tốt nghiệp.
Vì vậy: mục tiêu dạy học là những nhiệm vụ, công việc mà học viên phải làm được sau một quá trình học tập mà trước đó họ chưa làm được.
Quá trình học tập có thể là quá trình học tập một bài học, một môn học, hoặc một khóa học. Mục tiêu dạy học xác định những kết quả cần đạt được ở học viên (chứ không phải ở giảng viên; ví dụ: giảng viên hoàn thành bài giảng, khoa mục huấn luyện…). Mục tiêu dạy học cũng không phải là sự liệt kê hay mô tả nội dung dạy học.
2. Tầm quan trọng của mục tiêu dạy học.
Muốn học viên sau khi tốt nghiệp hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao, cần phải xây dựng được mục tiêu dạy học chính xác và triển khai việc dạy học theo mục tiêu này. Mục tiêu dạy học sẽ quyết định chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy học.
2.2.1. Mục tiêu dạy học là cái đích mà người dạy và người học cần hướng tới.
Khi giảng viên và học viên thống nhất được mục tiêu dạy học thì họ sẽ cùng cộng tác, nỗ lực cùng nhau để tiến tới cái đích đó. Ngạn ngữ có câu: “Nếu không biết mình định đi tới đâu, làm sao biết được mình đã đi đến đích”.
2.2.2. Mục tiêu dạy học quyết định việc học tập của học viên
Vì căn cứ vào mục tiêu học tập, học viên có thể biết mình phải học những gì để có đủ khả năng thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ, công việc gì sau khi học. Lựa chọn được phương pháp học tập thích hợp, chủ động tổ chức việc học tập phù hợp với điều kiện học tập và những đặc điểm tâm, sinh lý của bản thân. Tự đánh giá được kết quả học tập của mình khi so sánh với mục tiêu. Từ đó tự điều chỉnh việc học tập cho phù hợp để sớm đạt được mục tiêu.
2.2.3. Mục tiêu dạy học quyết định việc giảng dạy của giảng viên
Căn cứ vào mục tiêu, giảng viên có thể xác định chính xác những gì cần phải dạy và dạy đến mức độ nào, lựa chọn và thực hiện được những phương pháp dạy học phù hợp để học viên học tập có kết quả nhất; Đánh giá được kết quả học tập của học viên một cách khách quan, chính xác, từ đó giúp học viên học tập một cách hiệu quả; Tự đánh giá được năng lực và kết quả giảng dạy của mình để cải tiến phương pháp dạy học, tự hoàn thiện năng lực của mình.
Như vậy,chúng ta thấy mục tiêu dạy học rất quan trọng: giúp cho giảng viên thiết kế nội dung, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá học viên, giúp cho học viên biết mình cần học cái gì, chủ động lập kế hoạch học tập và tự đánh giá kết quả học tập.
Mục tiêu dạy học sẽ tăng cường sự cộng tác giữa giảng viên và học viên trong quá trình dạy học.
Người giảng viên phải viết được mục tiêu dạy học sau khi phân tích các nhiệm vụ học tập và trước khi thiết kế quá trình dạy học.
3. Các loại mục tiêu dạy học
– Mục tiêu chung của nền giáo dục.
– Mục tiêu của bậc học (tiểu học, trung học, đại học…).
– Mục tiêu của trường học (mục tiêu đào tạo của từng nhà trường).
– Mục tiêu của ngành học.
– Mục tiêu của môn học (học phần).
– Mục tiêu của bài học (còn gọi là mục tiêu chuyên biệt).
Các loại mục tiêu trên đều do cơ quan (hoặc người được phân công) xây dựng, sau đó phải được phê duyệt và thống nhất. Quan trọng nhất đối với giảng viên là các mục tiêu chuyên biệt. Giảng viên căn cứ vào các mục tiêu lớn, xây dựng các mục tiêu chuyên biệt, đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy được phân công.
4. Mục tiêu chuyên biệt
4.1. Khái niệm
Mục tiêu chuyên biệt là mục tiêu học tập cụ thể của từng bài học lý thuyết hoặc thực hành. Mục tiêu chuyên biệt phải xuất phát từ mục tiêu môn học (học phần) phản ánh và cụ thể hóa được mục tiêu môn học (học phần). Đối với giảng viên và học viên thì mục tiêu chuyên biệt là loại mục tiêu quan trọng nhất vì nó quyết định trực tiếp kết quả giảng dạy học tập của từng bài học. Giảng viên phải dành nhiều thời gian nghiên cứu soạn thảo; học viên phải nắm vững mục tiêu chuyên biệt trước khi bắt đầu học tập từng bài học.
Mối quan hệ giữa các loại mục tiêu dạy học cơ bản được thể hiện trên sơ đồ
Hình 4.1. Sơ đồ mối liên quan giữa ba loại mục tiêu
4.2. Các thành phần của mục tiêu chuyên biệt
Mỗi mục tiêu chuyên biệt có bốn thành phần là: hành động, nội dung, điều kiện, tiêu chuẩn.
Hành động là động từ yêu cầu học viên phải thực hiện bằng ngôn ngữ (thí dụ: nói được, trình bày được, giải thích được, liệt kê được…); bằng hành động cơ bắp (làm được, tiêm được, cấp cứu….) hoặc bằng hành động giao tiếp (giải thích, an ủi, giải quyết).
Vì mục tiêu biểu hiện ý định, điều mong muốn học viên phải đạt được sau khi học cho nên tránh dùng các động từ tĩnh, động từ có ý nghĩa không rõ ràng.
Thí dụ: hiểu được, biết được…. (không rõ mức độ đến đâu); nắm được, quán triệt được, thông suốt… (mơ hồ, không định lượng được).
Một số động từ thường được dùng để mở đầu cho mục tiêu là: liệt kê ra, kể ra, phát biểu, mô tả, định nghĩa, giải thích, phân biệt, so sánh, minh họa, đánh gái, xác định vị trí, cho vài thí dụ, vẽ ra, tính toán… Những động từ này đề thể hiện bằng một việc làm có thể quan sát, kiểm tra được cho nên nó rất rõ ràng.
Nội dung mô tả nhiệm vụ cần làm, hoặc đôi khi là kết quả của một công việc, một sản phẩm. Phần này diễn đạt yêu cầu của động từ hành động, làm bổ ngữ cho động từ. Thí dụ: kể ra, mô tả (cái gì?), phân biệt, so sánh (cái gì với cái gì?), xác định vị trí (cái gì so với những cái gì?).
Điều kiện là các yếu tố xác định hoàn cảnh hay phương tiện để thực hiện mục tiêu. Thường rất cần cho mục tiêu thực hành.
Thí dụ: dùng phương tiện, thiết bị gì; thực hiện trên vật thực hay trên mô hình; sử dụng phương pháp gì; được mở sách hay không; thực hiện ở đâu (giảng đường hay phóng thí nghiệm, thực địa…), ban ngày hay ban đêm, trong thời gian bao lâu.
Điều kiện càng cụ thể, rõ ràng thì học viên dễ thực hiện và giáo viên đánh giá càng đúng, càng dễ dàng.
Tiêu chuẩn là mức độ, yêu cầu phải đạt được. Tiêu chuẩn cần ghi rõ làm như thế nào và đến mức độ nào thì đạt số lượng, thời gian, số lần, phẩm chất.
Học viên hiểu rõ tiêu chuẩn của mục tiêu, họ sẽ tự đánh giá được việc học tập của mình.
Tóm lại: một mục tiêu chuyên biệt có đủ bốn thành phần, đó là: (1) Hành động thể hiện bằng động từ; (2) Nội dung là bổ ngữ của động từ; (3) Điều kiện để thực hiện; (4) Tiêu chuẩn phải đạt.
Tùy theo bài giảng (lý thuyết, thực hành), giảng viên không nhất thiết phải luôn luôn viết đủ cả bốn thành phần của tất cả các mục tiêu, nhưng phải viết rõ ràng, chính xác để học viên có thể làm được. Không nên viết các mục tiêu ôm đồm nhiều nội dung.
Vậy giảng viên làm gì để xác định được mục tiêu?
Như ta đã biết, chương trình của môn học đã cho biết mục tiêu trung gian, nhưng nó chưa chứa đựng các nội dung chi tiết, cụ thể và chưa đầy đủ. Do đó, khi nhận bài giảng, giảng viên cần lập bảng danh mục các điều mà học viên sẽ phải biết, phải làm được sau bài học, từ đó định ra các mục tiêu.
4.3. Các phẩm chất của một mục tiêu chuyên biệt
Khi viết một mục tiêu chuyên biệt, cần bảo đảm có đủ sáu phẩm chất sau:
Sát hợp. Mục tiêu phải xuất phát từ nhiệm vụ mà học viên sẽ phải thực hiện sau khi học. Dù là mục tiêu kiến thức hay mục tiêu thực hành cũng là để phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ sắp tới của học viên.
Logic. Nội dung của một hay nhiều mục tiêu trong một bài học gồm nhưng yêu cầu (mong muốn) học viên phải đạt được, những điều kiện và những tiêu chuẩn đối với những yêu cầu đó. Tất cả phải có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ, trật tự; nghĩa là phải mang tính logic, không chứa đựng mâu thuẫn nội tại trong hệ thống mục tiêu cũng như từng mục tiêu.
Chính xác. Việc chọn từ và đặt câu phải rõ ràng, sáng sủa, không tối nghĩa, không khó hiểu, không gây nhầm lẫn (nhiều cách hiểu khác nhau). Học viên đọc mục tiêu xong có thể hiểu được ngay, không cần hỏi lại (vì không phải lúc nào cũng có giảng viên để hỏi và cũng không cần thiết).
Thực hiện được. Các mục tiêu, nhất là mục tiêu thực hành, phải đảm bảo có điều kiện để học viên thực hành và thực hành được.
Quan sát được. Việc thực hiện mục tiêu phải được thể hiện ra bằng các hành vi có thể thấy được; nói ra được, viết ra được hoặc thao tác được.
Đo lường được. Có thể dùng các đơn vị thời gian, trọng lượng, chiều dài, mức chuẩn, độ chính xác để đo được kết quả thực hiện mục tiêu của từng học viên.
Hai phẩm chất “quan sát được’ và “đo lường được” rất cần cho các mục tiêu thực hành và cho việc tự đánh giá và đánh giá kết quả học tập sau khi học.
Tóm lại, một mục tiêu chuyên biệt, cần và nên có sáu phẩm chất nêu trên, nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải có đủ cả sáu phẩm chất đó. Tuy nhiên, khi viết mục tiêu thì cần phải đạt được tối đa các phẩm chất đã nêu. Vì có như vậy giáo viên mới bám sát được những điều học viên cần học, cần đạt được để giảng dạy; học viên cũng tập trung trí lực học đúng yêu cầu, đồng thời có thể tự đánh giá xem mình đã đạt được đến mức độ nào.
Mục tiêu quy định những điều phải học, phải đạt được, nhưng không hạn chế tư duy và tầm hiểu biết của từng cá nhân. Ngoài mục tiêu học tập, giảng viên cần phát huy khả năng của từng cá thể học viên để họ có thể tự lực học được càng nhiều càng tốt.
Hình 4.2. Phân bổ kiến thức trong bài giảng
Nguồn: Nhà xuất bản quân đội nhân dân