“Ngụ binh ư nông” là chính sách gửi quân vào trong dân có từ thời nhà Lý, đó là việc gửi lính cho dân nuôi để sẵn sàng sử dụng lực lượng khi đất nước có chiến tranh. Đây là chính sách thể hiện quan điểm quốc phòng toàn dân của cha ông ta. Ngày nay trong quá trình đào tạo nhân lực cho nghành y tế theo chương trình công nghiệp hoá của Nhà nước giao cho Bộ quốc phòng, tại trường CĐQY 1 – HVQY có chính sách gửi dân vào trong quân.
Giờ tự học tại KTX của học viên hệ dân sự
Có thể nói việc đưa học viên dân sự vào ở trong đơn vị đã được nhà trường thực hiện từ rất lâu rồi. Song để tiến tới sự quy mô, bài bản thì chỉ thực sự bắt đầu từ năm học 2009 – 2010. Đây là sự thể hiện bước đột phá, đổi mới trong quá trình quản lý mà suy cho đến cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý học viên giống như hệ quân đội. Điều mà các bậc cha mẹ học sinh mong muốn nhất là sau khi ra trường các em thực sự trưởng thành về mọi mặt, ngoài trình độ chuyên môn vững vàng các em còn có tác phong kỷ luật của một người lính.
Để biến chủ trương này thành hiện thực, ngay từ những ngày đầu tháng 7/2009 Ban Giám hiệu Nhà trường đã bàn bạc kỹ lưỡng và làm tốt mọi công tác chuẩn bị. Về công tác bảo đảm, cơ quan hậu cần cùng 2 tiểu đoàn dồn dịch chỗ ở cho học sinh hệ A, các chỗ còn lại bắt đầu cho bắt tay vào sửa chữa, làm mới không kể ngày đêm. Tận dụng tất cả các dãy nhà cấp bốn còn lại từ thời kỳ mới thành lập trường để đưa vào sử dụng. Cấp tốc xây thêm nhà vệ sinh, nhà tắm làm sao đảm bảo tỷ lệ theo quân số quy định. Cũng liên quan đến bảo đảm, một khâu quan trọng nữa là ăn tập trung tại bếp đơn vị, bởi nếu không quản được ăn coi như không quản được học viên. Với tinh thần phục vụ vô điều kiện, không lấy lãi. Nhà trường sắp xếp lại tổ chức biên chế đội ngũ phục vụ. Phân chia thành 3 bếp ăn theo vị trí các khu nhà ở, biên chế quân số phục vụ trên số lượng người ăn đúng theo quy định của ngành quân nhu. Gấp rút bổ sung những trang bị cấp dưỡng còn thiếu cho các bếp. Tất cả cùng bàn về việc thu tiền ở, tiền ăn, tiền điện nước như thế nào để thu hút được học viên và với quan điểm là hướng tới học viên có thu nhập thấp. Mọi người đều nhất trí với lệ phí 70.000đ/tháng là tiền ở, tiền nước sinh hoạt. Cuối tháng tám mọi việc cơ bản hoàn tất, chỉ chờ đến giờ G là “Nổi lửa”.
Trong công tác quản lý học viên, có thể nói vai trò của người cán bộ có ý nghĩa quan trọng. Một vấn đề đặt ra là đã đưa học viên vào ở thì đội ngũ quản lý cũng phải sắp xếp giống như đối với các lớp hệ A. Chính vì vậy các đơn vị rà soát, lựa chọn những đồng chí cán bộ có năng lực, có tinh thần trách nhiệm để làm nhiệm vụ quản lý đối tượng này. Xác định cũng ăn ở, bám nắm đơn vị giống như hệ quân. Chỉ huy nhà trường cũng quan tâm bằng cách cấp cho các lớp nội trú hệ B: Tivi, tủ lạnh, điện thoại cố định, báo chí… như các lớp hệ quân khác.
Việc nhập học cho các học viên mới cũng có một số điểm khác so với các năm học trước, đó là ngay từ những ngày đầu, cán bộ nhập học thông báo có chỗ ở nội trú trong đơn vị cho các bậc phụ huynh và học sinh được biết. Gia đình học viên rất phấn khởi vì chân ướt chân ráo lên nhập học, chưa quen biết gì, chưa biết trông cậy vào đâu. Các tác động tiêu cực xã hội thì đầy rẫy xung quanh, vả lại một số em vốn ở nhà được cưng chiều, ham mê chát, chít, điện tử nên gia đình rất lo. Nay thấy nhà trường tổ chức ăn ở như vậy nên đồng ý ngay, một số phụ huynh còn mạnh dạn đề nghị “Các anh cứ rèn càng nghiêm càng tốt” cho gia đình yên tâm. Qua mấy ngày tiếp nhận số đăng ký nội trú đã lên tới hơn 600 học viên, được biên chế vào thành 8 lớp nội trú.
Bước đầu như vậy đã thấy cơ bản thành công, là động lực mạnh mẽ giúp cho mọi người tiếp tục các phần việc tiếp theo. Nhà trường biên chế đối tượng này về hai tiểu đoàn. Các tiểu đoàn căn cứ vào tình hình cụ thể xây dựng biên chế các lớp, các tiểu đội, tốp thực tập giống như hệ quân đội. Công việc cơ bản hoàn tất chỉ chờ ngày khai giảng.
Với bản tính còn trẻ con, với tác phong của tuổi học trò, một số người còn chưa thôi làm nũng mẹ. Quản lý đối tượng này thực sự là vất vả so với bộ đội chính quy. Thế là các cán bộ bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất như hướng dẫn gấp chăn màn, phơi quần áo hoặc đơn cử như đặt một đôi dép trước khi lên giường đi ngủ. Cán bộ quản lý phải trực tiếp hướng dẫn cho các em các bài thể dục buổi sáng và có kế hoạch luyện tập hàng ngày để tạo cảm giác không nhàm chán và rèn luyện sức khoẻ phục vụ cho học tập.
Tất cả đều phải bắt đầu từ vạch xuất phát. Việc duy trì đầy đủ các chế độ ngày, tuần là yếu tố hết sức quan trọng tạo cho các em có tác phong chính quy, nề nếp, giờ nào việc đấy. Bước đầu làm cho một số em cảm thấy rất khó chịu song bằng sự kiên trì của những cán bộ quản lý dần dần các em đã quen và từng bước đi vào nề nếp.
Việc học tập của các em giai đoạn đầu cũng hết sức khó khăn, hàng ngày sau giờ kiểm tra nội vụ buổi sáng việc xếp hàng đi học làm cho một số người cảm thấy gò ép, khi lên giảng đường phải ngồi đúng theo các vị trí lớp học. Sau giờ lên lớp lại phải xếp hàng đi về. Đến giờ tự học phải ngồi đúng ở trên giường để tự học, cứ 45 phút mới được nghỉ giải lao một lần. Trong giờ tự học tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động, không mất trật tự, không phá vỡ trật tự nội vụ. Đặc biệt là buổi tối sau giờ đọc báo nghe tin 30 phút, học viên phải tự học từ 19h đến 21h30 cũng tại chính giường của mình, trong cả buổi chỉ giải lao một lần duy nhất. Đến 21h45 sau khi cán bộ điểm danh, điểm quân số lúc đó mới được lên giường đi ngủ, nhưng thời điểm thi cử nhiều vẫn tiếp tục học có khi đến 24h mới tắt đèn lên giường. Chưa kể vài ba ngày lại phải gác đêm thêm 1 tiếng nữa để bảo đảm an toàn đơn vị. Đi thực tập lâm sàng tại Viện Sơn tây và Viện 105 đều phải thành đội hình và có cán bộ dẫn đi và về. Thời gian đầu do còn nhớ nhà, hàng tuần tiểu đoàn phải giải quyết đi tranh thủ vào ngày nghỉ với số lượng rất lớn. Sau đó do bài vở và thi cử nhiều nên có em đăng ký ở lại để ôn thi, có khi mấy tháng không về.
Hàng tuần, hàng tháng Tiểu đoàn, Nhà trường đều duy trì chào cờ một cách trang nghiêm. Cũng xếp hàng ngũ chỉnh tề, hát quốc ca, chỉ khác là không hô mười lời thề như các anh bộ đội. Sau khi nghe nhận xét của chỉ huy các cấp, lại được nghe cán bộ chính trị thông báo tình hình thời sự giúp cho các em nắm bắt được nhiều thông tin. Buồn cười nhất là việc đi ăn cơm, việc xếp hàng, xếp mâm nghe cứ như nhà binh thực thụ. Lúc đầu nhiều bạn còn khảnh ăn sau quen dần và thấy cơm bộ đội cũng ngon và đều ăn hết tiêu chuẩn. Sau vài ba tháng tất cả đều béo khoẻ hẳn ra và cảm thấy cuộc sống bộ đội thật là chính quy, thống nhất và không kém phần thú vị. Tất cả cứ cuốn đi và không hiểu tự lúc nào học viên cứ cảm thấy như mình đang là những chiến sĩ học viên quân thực sự. Cứ như vậy sau một thời gian các em quen dần với còi với kèn, với cuộc sống của một người lính. Một chuyện đáng nhớ là khi lớp Dược nội trú do đông quá phải san bớt sang lớp ngoại trú thì tất cả đồng loạt lên gặp Hiệu trưởng Nhà trường để “Biểu tình” xin ở lại. Cuối cùng lại phải giữ nguyên quân số, đành phải chấp nhận việc lớp nhiều, lớp ít. Thi thoảng được tiếp cha mẹ học viên lên thăm con, họ đều tấm tắc khen: Chỉ có Trường quân đội các anh mới làm được như vậy mà thôi.
Kết thúc năm học thứ nhất, một điều đáng mừng là kết quả học tập các lớp nội trú đều cao hơn hẳn các lớp ngoại trú cùng khoá, cùng đối tượng. Điều đặc biệt là rất ít các em xin ra ngoại trú mặc dù trong nội trú do quân số đông, việc bảo đảm nước nôi, điện đóm đôi lúc cũng gặp không ít khó khăn. Việc đi lại qua cổng gác không it lúc cũng gặp rắc rối. Nhưng quen rồi, chuyện nhỏ.
Bước sang năm học thứ hai, mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Bởi các em đã đi vào nề nếp. Các anh cán bộ cũng nhàn hơn vì không phải dắt tay chỉ việc nữa. Song bắt đầu nảy sinh khó khăn mới đó là nhiều em bắt đầu nảy sinh tình cảm yêu đương, muốn được tự do. Chỉ huy các cấp lại gặp gỡ, phân tích, động viên. Các em đều nhận thức ra và đều xin ở lại và hứa xác định học tập tốt.
Ngoảnh đi ngoảnh lại đã đến kỳ thi tốt nghiệp, tất cả khu nội trú đều chong đèn để học bài đến nỗi tiền điện những tháng đó cao vọt hẳn lên. Không uổng công học hành của các em, kết quả thi rất cao. Có những lớp như lớp 356F có 16 em được công nhận là học sinh giỏi. Điều đáng mừng là không có em nào quá yếu phải học lại. Một điều vinh dự nữa là có 5 em được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Trong buổi tổng kết ra trường, thầy trò không khỏi bùi ngùi. Nhiều em cứ cảm thấy thời gian trôi đi nhanh quá. Ấn tượng của hai năm ở trong nội trú làm học viên chiến sĩ sẽ theo các em đi suốt cả cuộc đời. Nó khẳng định phương châm giáo dục của nhà trường ”Dạy người sau mới dạy nghề”. Đây chính là điều cốt lõi để làm nên thương hiệu của Nhà trường trong khi các trường đào tạo nghề đang mọc lên như nấm sau mưa. Nhưng Nhà trường vẫn tồn tại và phát triển không ngừng.
Đôi điều rút ra từ thực tiễn:
– Thống nhất quan điểm, chủ trương trong quá trình quản lý.
– Nêu cao khẩu hiệu: Tất cả vì học viên thân yêu.
– Làm tốt công tác bảo đảm, linh hoạt trong quá trình quản lý.
Trong thời gian tới bằng chủ trương đúng đắn, bằng kinh nghiệm quản lý. Chắc chắn mô hình “Gửi dân vào trong quân” ở trường CĐQY 1 sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công.
Nguyễn Đức Toàn – Trường Cao đẳng quân y 1