Học tập Tuyển sinh

Đạt 30 điểm vẫn trượt đại học – đâu là nguyên nhân cốt lõi?

Đạt 30 điểm vẫn trượt đại học – đâu là nguyên nhân cốt lõi?

Theo quy định, thí sinh trên địa bàn cả nước tiến hành thay đổi nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia. Sau khi hết hạn thay đổi nguyện vọng, các trường đại học, học viện tiến hành công bố điểm chuẩn và xét tuyển theo nguyện vọng đã đăng ký của thí sinh.
Đề thi các môn năm nay tuy có giảm bớt đi sự căng thẳng và áp lực đối với thí sinh
nhưng thực sự đã có sự phân hóa cao trình độ của người học? (Ảnh: thanhnien.vn).
Nhìn chung, so với năm 2016, kỳ xét tuyển đại học năm nay bớt đi nhiều áp lực, không gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình nộp hồ sơ xét tuyển theo nguyện vọng. Tuy nhiên, có một điều khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn, đó là việc nhiều thí sinh đạt điểm 30 vẫn không vào được trường mà mình đã đăng ký.
 Sự phân hóa của đề thi có thực sự ở mức cao?
Trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đưa tin về điểm chuẩn của những trường tốp trên luôn giữ ở mức “ngất ngưởng”. Nhiều trường, học viện có nhiều khoa lên tới 30,5 điểm mới trúng tuyển nguyện vọng 1, còn ở mức từ 28 đến 30 điểm chiếm tỷ lệ khá nhiều. Các ngành đào tạo của các trường, như: Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân Y, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Phòng cháy chữa cháy… đều giữ ở mức điểm từ 27 – 30,5. Như vậy, so với năm 2016, điểm chuẩn đầu vào của nhiều trường tốp cao đã tăng vọt, bình quân tăng từ 2.5 – 3.5 điểm, tùy theo ngành đào tạo. Với điểm chuẩn đầu vào cao như vậy, nhiều thí sinh mặc dù đạt đến ngưỡng điểm chuẩn nhưng vẫn không được tuyển. Chúng ta hãy cùng nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh sự phân hóa đề thi.
Nếu như ở kỳ thi những năm trước, số lượng thí sinh đạt điểm từ 27 trở lên khá hạn chế, phải là những thí sinh xuất sắc mới có thể đạt được. Số thí sinh đạt ba điểm 10 là rất hiếm. Nhưng tại kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, với việc thay đổi phương thức thi (trừ môn Ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại 100% thi trắc nghiệm), sát nhập làm một hai cụm thi (tốt nghiệp và đại học), kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh chủ trì dường như đã giảm rất nhiều áp lực cho thí sinh và gia đình thí sinh so với những năm trước.
So với năm 2016, năm nay, số thí sinh đạt điểm trần (chưa tính điểm ưu tiên) từ 27 đến 30 xuất hiện khá nhiều. Số thí sinh đạt từ 25-26 điểm lại càng nhiều. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu đề thi các môn năm nay tuy có giảm bớt đi sự căng thẳng và áp lực đối với thí sinh nhưng thực sự đã có sự phân hóa cao trình độ của người học?
Xin dẫn ra ở đây một ví dụ về một bộ môn trong kỳ thi vừa qua, đó là môn Lịch sử. Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2016, tổng số thí sinh đến dự thi môn Lịch sử là 126.935, đạt tỷ lệ 96,38%. Môn thi này được tổ chức tại 749 điểm thi trên cả nước (trong đó, tại cụm thi tốt nghiệp: 498 điểm thi và tại cụm thi đại học là 251 điểm thi). Và qua kỳ thi, tỷ lệ thí sinh có điểm dưới 5, điểm liệt chiếm tỷ lệ cao. Số thí sinh đạt điểm 10 môn thi này rất ít. Nhưng đến kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, tỷ lệ thí sinh đạt điểm từ 8 – 10 môn Lịch sử chiếm tỷ lệ khá cao. Nhiều học sinh học ở mức trung bình khá, khá khi thi cũng đạt từ 7.5 – 8 điểm. Nhiều thí sinh nhận xét rằng, so với những năm trước, đề thi môn Lịch sử năm nay không khó, chỉ cần thuộc SGK là có thể làm được. Hơn nữa, với hình thức thi trắc nghiệm khách quan, không cần suy luận nhiều nên dễ dàng làm được.
Không chỉ có môn Lịch sử, những môn như: Ngoại ngữ, Địa lý thì tính chất khó tại các câu hỏi so với những năm trước đã được giảm nhẹ. Như vậy, việc ra đề thi cho cả hai đối tượng thí sinh (thi tốt nghiệp và thi đại học) với những câu hỏi có sự phân hóa chưa cao như vậy, tất yếu sẽ dẫn đến khó phân loại thí sinh/môn thi.
Lượng thí sinh đạt điểm cao ở các môn thi sẽ dẫn đến việc số lượng thí sinh đạt ngưỡng điểm bằng nhau là rất lớn. Vì thế, nhiều em tuy đã vượt qua ngưỡng điểm chuẩn của ngành đào tạo vẫn không được tuyển.
“Chạy đua” để vào trường tốp cao!
Đó là thực tế diễn ra ở hầu hết các địa phương, các nhà trường hiện nay. Với suy nghĩ xuất phát từ thực tế trong những năm gần đây, số lượng lớn cử nhân sau khi được đào tạo nghề tại các trường đại học không xin được việc làm, tỷ lệ cử nhân thất nghiệp, làm trái ngành đào tạo hoặc đi đào tạo ngành khác chiếm số lượng cao. Chính vì thế, trước ngưỡng cửa kỳ thi THPT Quốc gia, các thí sinh, gia đình thí sinh đã xác định cố gắng dự tuyển vào các trường tốp cao thì mới có hy vọng ra trường có việc làm. Hơn nữa, nhiều thí sinh đã quyết tâm thi vào được các trường, học sinh ngành an ninh, cảnh sát, quân đội để vừa thuận lợi cả đầu vào, đầu ra.
Từ thực tế này, những trường đại học, học viện như: Y, Dược, Bách Khoa, Luật, An Ninh, Cảnh sát, Sĩ quan chính trị, Lục quân…có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 đông đảo nhất. Chính điều này đã dẫn đến việc khi công bố điểm chuẩn để xét tuyển, nhiều trường, nhiều học viện đưa ra mức điểm cao ngất ngưởng, sát nút 30 hoặc chạm tới 30 điểm. Trong quá trình xét, số thí sinh đạt 30 điểm (đã cộng điểm ưu tiên, khuyến khích) chiếm số lượng nhiều, có trường phải đưa ra tiêu chí phụ. Vì thế, nhiều em không đạt được tiêu chí đó nên đã bị loại.
Việc nhiều thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học trong kỳ xét tuyển đại học năm 2017 là một điều đáng suy nghĩ. Nhiều thí sinh có lực học tốt, sự nỗ lực thực sự nhưng vẫn không có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Thí sinh phải chờ nguyện vọng khác với điểm chuẩn thấp hơn nhiều so với điểm chuẩn nguyện vọng 1. Đồng thời, việc lựa chọn thí sinh có năng lực thực sự đối với các trường, các ngành học sẽ rất khó.
Từ thực tế trên, việc đề ra những giải pháp để khắc phục một cách hiệu quả trong các kỳ thi của những năm tiếp theo là rất cần thiết. Tác giả bài viết xin đề xuất một số giải pháp sau:
Trong ba năm học, đặc biệt là năm học lớp 12, các trường THPT cần đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp đối với học sinh để các em có sự lựa chọn trường, chọn nghề đúng đắn, phù hợp. Điều quan trọng là cần tác động vào nhận thức của mỗi học sinh khi chọn nghề, chọn trường cần phải căn cứ vào năng lực, sở trường của mình. Tránh hiện tượng, học sinh chạy theo số đông để đăng ký vào những trường tốp cao, khó trúng tuyển.
Đẩy mạnh công tác chỉ đạo việc kiểm tra, đánh giá trong năm học. Việc ra đề kiểm tra, thi khảo sát với mức độ phân hóa cao để đánh giá, phân loại chính xác hơn nữa năng lực của học sinh.
Đổi mới hơn nữa công tác thi THPT Quốc gia, xét tuyển đại học, đặc biệt là cách thức tổ chức kỳ thi, xét tuyển, công tác ra đề thi để vừa giảm áp lực đối với thí sinh, vừa đảm bảo sự phân hóa ở mức độ cao năng lực thí sinh trong quá trình xét tuyển./.
Nguyễn Thế Lượng
Nguồn; Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
vì sao bệnh khó nói ở nam giới chữa hoài không khỏi