DẠY HỌC BẰNG BẢNG KIỂM
1. Khái niệm
Bảng kiểm để dạy học là một bảng liệt kê các bước tiến hành của một kỹ năng theo một trình tự hợp lý và yêu cầu phải đạt được để thực hiện một quy trình kỹ thuật, một công việc, một nhiệm vụ, dạy học theo bảng kiểm dùng để dạy thực hành các kỹ năng.
Từ khái niệm trên cho thấy, phần lớn các kỹ năng đều có thể xây dựng thành các quy trình thực hành và được trình bày dưới dạng bảng kiểm để dạy học.
Phương pháp dạy học thực hành bàng bảng kiểmtạo điều kiện thuận lợi cho người học chủ động học tập, dễ thống nhất giữa các giảng viên, dễ tự học, tự kiểm tra.
Để nâng cao năng lực thực hành, trong quá trình học tập, người học phải làm đi làm lại nhiều lần, hoặc rất nhiều lần thì mới thành kỹ năng. Trên thực tế không phải lúc nào cũng có giảng viên “cầm tay chỉ việc” bên cạnh người học trong suốt quá trình luyện tập; mà giảng viên chỉ làm thị phạm, quan sát uốn nắn trong một thời gian nhất định, rồi kiểm tra; còn người học phải tự học, tự làm. Lúc này “thầy” của người học là các bảng kiểm, người học dựa vào bảng kiểm và thực hành theo bảng kiểm. Thông qua bảng kiểm, người học sẽ rút kinh nghiệm qua mỗi lần thực hiện, đẩy nhanh quá trình hình thành kỹ năng, kỹ sảo.
2. Các bước xây dựng bảng kiểm
Một bảng kiểm dùng để dạy học thực hành thường được xây dựng theo những bước sau:
1) Xác định tên của bảng kiểm
Tên của bảng kiểm chính là tên của một kỹ năng, công việc, nhiệm vụ… mà người học phải học; tên bảng kiểm cần viết rõ ràng nhưng ngắn gọn. Thí dụ: quy trình tiệt trùng phòng mổ…
2) Phân tích công việc, nhiệm vụ thành các hành động – thao tác:
Phân tích, mô tả công việc, nhiệm vụ… thành các thao tác phải thực hiện. Lúc đầu cần mô tả tỷ mỷ, chi tiết, thậm chí thật chi tiết mọi thao tác lớn nhỏ, không bỏ sót bất cứ thao tác nào.Để tránh bỏ sót và đảm bảo tính thống nhất, nên dựa vào tài liệu dạy học hoặc quy trình kỹ thuật chuẩn mực để mô tả.
– Sau khi đã phân tích liệt kê các thao tác, trước khi đưa vào bảng kiểm cần kiểm tra xem:
Việc mô tả có chung chung quá không?
Còn sót thao tác nào không?
Có quá chi tiết vụn vặt không?Có thao tác nào không cần thiết phải đưa vào bảng kiểm không?
Nguyên tắc chung là: khi đưa vào bảng kiểm các thao tác không quá tóm tắt, không sót những thao tác cần thiết nhưng không quá vụn vặt. Tuy nhiên tùy theo đối tượng, trình độ người học mà quyết định đưa vào bảng kiểm những thao tác chi tiết đến mức độ nào là thích hợp. Trình độ càng thấp, mới học… thì cần chi tiết hơn.Bảng kiểm để dạy học chi tiết hơn quy trình thực hiện trong thực tế (vì là người học nên phải làm tỷ mỷ, chi tiết).
Từ đó quyết định những thao tác nào, hoặc tất cả các thao tác đã liệt kê đều được đưa vào bảng kiểm.
3) Phân chia công việc, nhiệm vụ thành các bước
– Có những công việc, quy trình đơn giản, hoặc ít thao tác có thể không cần chia thành các bước. Nhưng với các quy trình phức tạp hoặc gồm nhiều thao tác, cần phân thành các bước để dễ thực hiện, dễ theo dõi trong khi dạy học.
Các bước được sắp xếp theo trình tự hợp lý.
Trong mỗi bước, các thao tác cũng sắp xếp theo thứ tự chặt chẽ, đúng quy trình kỹ thuật.
– Không nên chia quá nhiều bước trong một bảng kiểm, vì như vậy sẽ trở nên cồng kềnh; nhưng cũng không nên ghép quá nhiều thao tác vào một bước, vì khó theo dõi và làm cho người học có thể nhầm lẫn trình tự giữa các thao tác.
– Nhìn chung trong mọi quy trình kỹ thuật thì các bước, các thao tác phải theo trình tự nghiêm ngặt. Tuy nhiên trong một số công việc, trình tự của một vài thao tác liên tiếp nào đó có thể thay đổi mà không ảnh hưởng gì đến kết quả.
– Với các công việc, quy trình phức tạp có rất nhiều thao tác, cũng có thể sử dụng bảng kiểm để dạy học; nhưng cần chia thành các giai đoạn, mỗi giai đoạn nên xây dựng thành một bảng kiểm riêng và đánh số thứ tự liên tục theo quy trình của công việc đó.
4) Nêu ý nghĩa của mỗi thao tác
Sau khi đã xác định các bước, các thao tác của mỗi bước theo trình tự hợp lý để đưa vào bảng kiểm, cần nêu ý nghĩa của mỗi thao tác.
Dạy thực hành là dạy trên cơ sở kiến thức đã học, người học không chỉ học “làm gì?cách làm như thế nào?”, mà còn phải hiểu rõ “vì sao phải làm thao tác này?”. Như vậy người học sẽ nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của thao tác, giúp cho việc học thực hành tốt hơn, tức là không phải đào tạo “tay nghề” thuần túy mà đào tạo “nghề”.
5) Xác định yêu cầu (tiêu chuẩn) phải đạt của mỗi thao tác
Điều quan trọng nhất có lẽ không phải là “làm gì”, mà là “làm như thế nào là đạt” Vì vậy mỗi thao tác cần nêu tiêu chuẩn phải đạt để người học cố gắng làm cho được, đồng thời tạo thuận lợi cho người học tự đánh gía kết quả thực tập và khả năng hoàn thành nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp.
3. Cấu trúc bảng kiểm
Bảng kiểm dùng để dạy học thường có khung cấu trúc như sau:
(1) Phần đầu
Tên khoa, bộ môn.
Tên bảng kiểm.
Đối tượng học tập.
Thời gian thực hành.
Địa điểm thực hành (nếu cần).
2) Lập bảng
Mỗi bảng thường có một số cột sau:
Cột thứ nhất – số thứ tự;
Cột thứ hai – viết tên các bước, các thao tác; viết rõ ràng ngắn gọn, không cần giải thích người học vẫn hiểu, viết theo trình tự hợp lý;
Cột thứ ba – viết ý nghĩa của thao tác; viết cô đọng nhưng dễ hiểu.
Cột thứ tư – viết tiêu chuẩn phải đạt.Viết rất gọn nhưng đủ ý. Phần này rất quan trọng vì để người học dựa vào tiêu chuẩn mà làm và để tự đánh giá xem mình làm đạt đến mức độ nào.
3) Ghi chú
Nếu cần thì có thể hướng dẫn thêm ở phía dưới bảng để người học dễ thực hiện (không phải bảng kiểm nao cũng có phần này).
Chú ý:
– Không nhất thiết mọi bảng kiểm đều phải có 4 cột như trên. Với đối tượng mới học, trình độ người học thấp nên có đầy đủ 4 cột. Với đối tượng cao hơn có thể không cần cột 3 (ý nghĩa của thao tác) – coi như người học đã học, đã biết.
– Do mục đích khác nhau nên bảng kiểm để dạy học và bảng kiểm để đánh gía người học có những điểm khác nhau về xây dựng và nhất là khung cấu trúc; bảng kiểm để dạy học không có thang điểm – bậc để đánh giá.
4. Sử dụng bảng kiểm để dạy học
Có nhiều cách sử dụng khác nhau, chúng tôi trình bày cách dễ áp dụng và được dùng phổ biến hiện nay để tham khảo.
1) Chuẩn bị
– Chọn kỹ năng thích hợp (thuộc nội dung bài thực hành có thể dạy học bằng bảng kiểm);
– Chuẩn bị các điều kiện thực hành;
– Viết mục tiêu thực hành;
– Viết bảng kiểm;
– Nên viết bảng kiểm vào khổ giấy rộng để treo tại nơi thực hành trong phòng thực tập, phòng thí nghiệm;
– In bảng kiểm để tại bàn nơi người học thực tập (nên làm như vậy), có thể phát cho người học để đọc trước ở nhà nếu bảng kiểm chưa có trong tài liệu thực hành.
2) Triển khai dạy học bằng bảng kiểm
Có nhiều cách triển khai tùy theo tính chất, mục tiêu, nội dung, điều kiện thực tế, nhưng thường tiến hành như sau:
– Trình bày mục tiêu thực hành (mục tiêu học tập), nội dung thực hành…;
– Giảng viên trình bày, giới thiệu quy trình thực hành thông qua bảng kiểm;
– Giảng viên làm mẫu theo bảng kiểm, vừa làm vừa giải thích; người học quan sát giảng viên làm;
– Thảo luận, giải đáp sau khi làm mẫu và quan sát;
– Người học thực hành theo hướng dẫn của bảng kiểm; giảng viên quan sát, uốn nắn… Nếu cần có thể làm mẫu lại (tất cả các thao tác hoặc những thao tác khó), thường các thao tác khó giảng viên cần làm đi làm lại một số lần (nếu có thể được) để người học quan sát được kỹ và có thể tự làm;
– Khi người học tự thực hành, giảng viên có thể tiếp tục quan sát hoặc không, tùy tuộc vào từng quy trình kỹ thuật, điều kiện cụ thể. Khi thực hành thao tác kỹ thuật trong phòng thí nghiệm thì có thể có lúc không cần giảng viên, nhưng với thủ thuật, kỹ thuật thực hiện trên người (với ngành y) thì nên luôn luôn có giảng viên bên cạnh người học khi họ thực hành.
– Cuối buổi thực hành: nhận xét, thảo luận, tự đánh giá hoặc đánh giá theo bảng kiểm vừa thực hành.
5. Ưu điểm, nhược điểm
1) Ưu điểm
– Bảng kiểm có thể áp dụng rộng rãi để dạy học thực hành tại giảng đường chuyên dùng; ở phòng thí nghiệm hoặc ở thực địa (dạy kỹ năng thao tác, với các kỹ năng không quá đơn giản hoặc không quá phức tạp)…
– Dễ thống nhất giữa các giảng viên về nội dung dạy học thực hành, vì bảng kiểm do tập thể giảng viên trong bộ môn cùng xây dựng và đã thông qua bộ môn.
– Thuận tiện cho giảng viên khi chuẩn bị phương tiện và hướng dẫn thực hành.
– Người học có thể dùng bảng kiểm để tự học, tự kiểm tra sau khi đã được quan sát giản viên làm thị phạm và hướng dẫn.
– Cung cấp các thông tin phản hồi một cách kịp thời cho giảng viên và người học.
– Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá kỹ năng bằng bảng kiểm.
2) Nhược điểm
– Bảng kiểm chỉ chủ yếu dùng để dạy học kỹ năng thực hành bằng tay; ít tác dụng trong dạy học kỹ năng giao tiếp; không thể dùng để dạy kỹ năng tư duy.
– Rất khó hoặc không thể dạy học các kỹ năng kỹ thuật phức tạp, các thủ thuật khó và diễn ra nhanh chóng.
Do có những ưu và nhược điểm trên nên giảng viên cần xem xét, lựa chọn nội dung thực hành nào, phần nào thì ên dùng bảng kiểm để dạy học là hiệu quả nhất. Trong một bài, một nội dung thực hành có thể kết hợp phương pháp dùng bảng kiểm với một vài phương pháp dạy học thích hợp khác.
TÓM TẮT
Dạy học bằng bảng kiểm không phải là cách duy nhất, cách hay nhất để dạy học thực hành, nhưng có nhiều điểm mạnh và là một trong những phương pháp dạy học thực hành hiệu quả nhất.Trong mọi trường hợp có thể, nên áp dụng phương pháp này.Xây dựng một bảng kiểm tốt không khó, nhưng phải nghiên cứu công phu thì khi sử dụng mới mang lại hiệu quả.