Đào tạo Học tập

Một vài ý kiến về phương pháp dạy học bằng phương pháp đóng vai

MỘT VÀI Ý KIẾN VỀ PHƯƠNG PHÁP 
DẠY HỌC BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG VAI

1. Khái niệm 

Dạy học bằng phương pháp đóng vai là phương pháp dạy học dựa trên việc giao cho người học giải quyết một tình huống cụ thể thông qua đóng vai.
Dạy học bằng phương pháp đóng vai là một trong các phương pháp dạy học chủ động, ngày càng được ứng dụng rộng rãi, là phương pháp dạy học cơ bản và tốt nhất để dạy về kỹ năng giao tiếp – một kỹ năng cần thiết và quan trọng để người học hoạt động được trong một tập thể, cộng đồng.

2. Điều kiện áp dụng 

Để thực hiện phương pháp đóng vai trong dạy học cần bảo đảm bột số điều kiện sau:
1) Người học đã học hoặc tự học về nội dung chủ đề của buổi đóng vai, trên cơ sở đó các vai trong mới thực hiện được nhiệm vụ; các người học khác mới có thể nhận xét, trao đổi, rút kinh nghiệm, học tập được qua buổi đóng vai.
Vì vậy khi thực hiện buổi đóng vai cần báo trước cho người học để chuẩn bị, ôn tập lại các kiến thức đã học.
2) Nhóm (tổ) học tập không quá đông (nên dưới 20 người) để có thể quan sát, theo dõi được các vai đóng đầy đủ; tham gia thảo luận, rút kinh nghiệm qua buổi đóng vai.
3) Giảng viên cần chuẩn bị trước cho buổi đóng vai, viết đầy đủ quy trình thưc hiện dạy học bằng phương pháp đóng vai.
Lưu ý: xây dựng mục tiêu học tập buổi đóng vai phù hợp với mục tiêu học tập của bài giảng, nhưng không phải là sao chép lại mục tiêu học tập bài giảng mà là minh họa, bổ sung hco mục tiêu học tập bài giảng.
4) Giảng viên nhất thiết phải có mặt đầy đủ, theo dõi, ghi chép để hướng dẫn thảo luận và tổng kết những điều học được qua buổi đóng vai.

3. Trường hợp vận dụng

Đóng vai là phương pháp dạy học cơ bản và tốt nhất về kỹ năng giao tiếp, là phương pháp cụ thể để dạy học về phong cách thái độ đối với con người, đồng đội… Đó là phương pháp dạy học sinh động, chủ động, tạo điều kiện cho người học bộc lộ các ưu điểm để phát huy và nhược điểm để sửa chữa khắc phục.
Qua đóng vai, người học có điều kiện ứng dụng lý thuyết, nguyên tắc đã học vào thực tế sinh động, đa dạng mà họ sẽ tiếp xúc sau này.
Đồng thời qua đóng vai cũng rèn luyện cho người học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã được làm quen với vai của người cán bộ sẽ đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp, luyện tập năng lực giải quyết vấn đề theo cương vị mà người học sẽ đảm nhiệm sau này.

4. Cách tiến hành buổi dạy học bằng phương pháp đóng vai 

4.1. Viết bài giảng

Khi viết bài giảng cần tiến hành theo các bước sau;

1) Xác định chủ đề

Đây là bước quan trọng nhất.
Chủ đề phải nằm trong nội dung mà người học đã được học tập. Không thể thực hiện đóng vai với chủ đề mà người học chưa được học hoặc chưa có tài liệu, thời gian để tự học;
Chủ đề phải có thể thực hiện được bằng phương pháp đóng vai;
Chủ đề phát huy được ưu thế của phương pháp đóng vai là những chủ đề thể hiện được kỹ năng giao tiếp, thái độ, cách ứng xử giải quyết vấn đề.

2) Xác định mục tiêu học tập, lập kế hoạch về tình huống và vai.

Dựa theo chủ đề để xây dựng mục tiêu học tập; mục tiêu phải phù hợp với mục tiêu bài giảng nhưng phải cụ thể, bổ sung thêm cho mục tiêu bài giảng.
Xây dựng tình huống và vai đóng: tình huống phải rất cụ thể; vai đóng càng cụ thể bao nhiêu càng tốt. Các dữ liệu không phải tùy tiện đặt ra mà cần suy nghĩ, cân nhắc để thể hiện tố mục tiêu học tập; nêu lên được nhiều vấn đề, khía cạnh để học tập.
Nêu trọng tâm về kiến thức, năng lực giải quyết vấn đề; nêu trọng tâm về kỹ năng giao tiếp, thái độ.

3) Giao nhiệm vụ cho các vai, cho người quan sát

Vai đóng phải cụ thể theo đúng mục tiêu học tập (người đóng vai “chính”, người đóng vai “phụ” phải thực hiện nhiệm vụ, công việc, động tác gì… trong các tình huống trên).
Người quan sát (các người học khác) được phân thành nhóm nhỏ (vài người). Mỗi nhóm được giao các nhiệm vụ cụ thể như: nhóm theo dõi nhận xét vai “chính”; nhóm theo dõi nhận xét vai “phụ”; các nhóm theo dõi về kỹ năng giao tiếp, thái độ, kiến thức, năng lực giải quyết vấn đề…

4) Xác định thời gian đóng vai

Không nên quá ngắn (ít hơn 15 phút) và sẽ hạn chế trong việc thể hiện được mục tiêu học tập; chưa đủ để bộc lộ các ưu, nhược điểm.
Cũng không nên quá dài vì sẽ loãng, thiếu tập trung.
Lưu ý: cần dự kiến thời gian thảo luận ngay sau buổi đóng vai. Thời gian thảo luận phải đủ để mọi người phát biểu, có thể nêu lên được đầy đủ các nhận xét, rút kinh nghiệm, đánh giá…
Để xác định thời gian đóng vai, có thể tham khảo ý kiến những người sẽ thực hiện vai đóng (họ sẽ đề xuất sau khi đã trao đổi, hội ý với nhau về dự kiến nội dung dựa theo nhiệm vụ được giao).

4.2. Thực hiện đóng vai

1) Chuẩn bị, tạo không khí thuận lợi

Kê xếp lại bàn ghế cho thích hợp:
– Bàn ghế ngồi của vai đóng được kê ở giữa để mọi người quan sát thuận tiện.
– Bàn ghế của người quan sát (cử tọa) kê chung quanh sao cho thích hợp với nhiệm vụ được giao (thí dụ: nhóm theo dõi vai “chính”, vai “phụ” ngồi đối diện với các vai đóng để quan sát được tốt).
– Giảng viên cũng có một chỗ ngồi thích hợp để theo dõi được diễn biến chung, không làm ảnh hưởng đến các vai đóng.
Tạo không khí:
– Thoải mái các các vai đóng.
– Trật tự, tập trung.

2) Thực hiện đóng vai

Trước khi thực hiện đóng vai, giảng viên cần nêu rõ: chủ đề, mục tiêu học tập, giao nhiệm vụ cho các vai và người quan sát, xác định thời gian đóng vai.
Khi thực hiện đóng vai, các vai đóng hoàn toàn chủ động về nội dung và thời gian. Giảng viên không nên can thiệp, nhắc nhở làm mất tính chủ động, linh hoạt của vai diễn. Chỉ được ngừng thực hiện đóng vai khi kéo dài quá thời gian quy định nhiều, không còn thời gian để thảo luận sau đóng vai.
Để thực hiện đóng vai:
– Vai đóng không cần thực hiện các kỹ xảo biểu diễn như trong đóng kịch, dễ gây mất tập trung vào nội dung;
– Cần lưu ý thể hiện thái độ, phong cách trong giao tiếp nhất là với vai “chính”;
– Cần bám sát mục tiêu học tập, nhiệm vụ được giao trong đóng vai, có ý thức cộng tác, hỗ trợ cho đóng vai.
Thí dụ: Khi vai “chính” đưa ra một vấn đề gì không đúng với kiến thức, nguyên tắc đã học, vai “phụ” có thể hỏi lại, gợi ý khéo để vai “chính” điều chỉnh lại.

3) Thảo luận sau đóng vai

Thảo luận sau đóng vai là rất quan trọng, đó là nội dung cơ bản của giảng dạy bằng phương pháp đóng vai.
Thực hiện thảo luận ngay sau khi đóng vai để người học còn lưu giữ được các nhận xét, quan sát qua thực tế buổi đóng vai.
Giảng viên điều khiển thảo luận sau đóng vai. Qua các vai đóng, người học nhận xét, thảo luận:
– Về kỹ năng giao tiếp:
Có trình bày, giải thích rõ ràng, dễ hiểu không?
Các ngôn từ sử dụng có phù hợp cho vai “chính”, “phụ”… không?
Trong sử dụng ngôn từ cần lưu ý tránh việc trình bày như sách vở; dùng các ngôn từ khoa học khó hiểu, khó tiếp thu…
– Về thái độ, phong cách:
Việc chào hỏi, cách xưng hô trong giao tiếp..?
Có thực sự tôn trọng, chú ý lắng nghe, giải đáp đúng yêu cầu của các vai đóng?
– Về kiến thức:
Cách giải thích, hướng dẫn có đúng không?
Các biện pháp giải quyết nêu ra có phù hợp với lý thuyết, với nguyên tắc chung không?
– Những điều có thể học tập rút kinh nghiệm qua đóng vai:
Cần bố trí, động viên để mọi người đều có thể phát biểu thoải mái. Khi có những nhận xét chưa đúng, chưa rõ, nên tiến hành trao đổi để có thể đi đến kết luận. Nếu nảy sinh những vấn đề cơ bản chưa thống nhất có thể để lại, tổ chức một buổi thảo luận nhóm riêng.

4) Nhận xét chung của buổi đóng vai

Cuối cùng, giảng viên có nhận xét về buổi đóng vai:
Cần dựa trên kết quả thảo luận để có nhận xét chung;
Tránh tình trạng áp đặt không phân biệt đúng, sai, cái nên, không nên làm;
Nêu lên được những điều học tập và những điều cần rút kinh nghiệm.
Sau khi thực hiện buổi dạy học bằng phương pháp đóng vai, giảng viên cần kiểm định theo các nội dung chủ yếu sau:
– Chủ đề của đóng vai có thích hợp với phương pháp đóng vai? Có phải đóng vai là phương pháp tốt nhất để thực hiện nội dung dạy học này không? Chủ đề của đóng vai có phù hợp với kiến thức và khả năng của người học?
– Mục tiêu của đóng vai có phù hợp, bổ sung tốt cho mục tiêu bài giảng? Các mục tiêu được đề ra có đầy đủ, rõ ràng?
– Tình huống và các vai đóng có thích hợp với chủ đề, mục tiêu học tập? Có tạo điều kiện để các vai đóng thể hiện được mục tiêu học tập? Có trình bày được nhiều thông tin cần thiết? có đề xuát đến những vấn đề thiết thực, quan trọng của nội dung học tập?
– Công tác chuẩn bị cho buổi đóng vai (nêu rõ chủ đề, mục tiêu học tập, giao nhiệm vụ cho các vai, người quan sát…).
– Thực hiện buổi đóng vai, hướng dẫn thảo luận sau khi đóng vai…
Qua đó rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện thêm.
Sự khác nhau giữa phương pháp đóng vai và đóng kịch được trình bày trong Bảng 5.1.
Dạy học bằng phương pháp đóng vai là phương pháp dạy học cơ bản và tốt nhất khi dạy kỹ năng giao tiếp – một kỹ năng cần thiết và quan trọng để người học hoạt động được trong một tập thể, cộng đồng.

Để dạy học bằng phương pháp đóng vai, cần bảo đảm các điều kiện sau:

Người học được chuẩn bị trước về kiến thức;
Nhóm người học không quá đông (ít hơn 20 người);
Giảng viên cần chuẩn bị trước và phải có mặt để theo dõi.
Lợi ích: học cách ứng xử thích hợp; học cách giải thích, thuyết phục; học cách ra quyết định và cách đảm đương nhiệm vụ.
Vai trò của giảng viên: chọn chủ đề thích hợp; xác định rõ mục tiêu học tập; nêu tình huống; giao nhiệm vụ cho từng vai, cho người quan sát; hướng dẫn thảo luận sau đóng vai; tổng kết (nhận xét từng vai, người quan sát theo mục tiêu học tập đã xác định).
Nguồn: Nhà xuất bản quân đội nhân dân
vì sao bệnh khó nói ở nam giới chữa hoài không khỏi