Học tập

Người lớn học như thế nào

Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay của trường Cao đẳng quân y 1, chúng tôi tập hợp và trình bày một số bài chuyên đề về phương pháp sư phạm y học. Rất mong sự đóng góp và theo dõi của các bạn đọc.
Để làm chủ được quá trình đào tạo, chúng ta (giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục) phải hiểu đặc điểm tâm sinh lý người học, đặc thù đào tạo y khoa là đào tạo nghề. Đối tượng học chủ yếu là người lớn (đã tốt nghiệp phổ thông trung học). Vì vậy người lớn đi học có những đặc điểm khác với trẻ em. Trước hết họ không phải là cái “thùng rỗng”. Họ đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như đã hình thành những phong cách học tập khác nhau. Trong khi đi học, họ có rất nhiều điều phải bận tâm như công việc của cơ quan, gia đình và bản thân. Do vậy giảng viên cần biết được những đặc điểm này để có thể chọn lựa những phương pháp dạy-học phù hợp cũng như giúp học viên học có hiệu quả. Đồng thời thông qua các khoá học, giảng viên có thể giúp họ hình thành, rèn luyện được kỹ năng học suốt đòi.
Dạy-học trong ngành Y lại còn có những đặc điểm riêng, đó là chương trình đào tạo có tính logic chặt chẽ, có sự liên quan giữa môn này với môn khác, giữa phần này với phần khác, giữa lý thuyết với thực hành, giữa kiến thức – thái độ với hành vi. Đào tạo trong ngành Y là đào tạo nghề. Những đặc điểm này yêu cầu người giảng viên cần biết rõ về học viên để tìm những phương pháp dạy-học thích hợp nhằm giúp họ có đủ năng lực để làm việc và coi trọng việc dạy cho họ có thái độ đúng chứ không chỉ cung cấp cho họ thật nhiều kiến thức.

1. Đặc điểm của người lớn đi học

Trước hết khác với trẻ em, người lớn không phải là cái “thùng rỗng” để giảng viên “rót” kiến thức vào đầu họ theo ý giảng viên muốn. Người lớn đã có thời gian học và làm việc, do vậy họ đã tích lũy được nhiều kiến thức qua các nguồn khác nhau. Giảng viên trước khi dạy cần hiểu rõ họ đã biết gì để tránh dạy những điều họ đã biết. Vì đặc điểm này, việc lượng giá nhu cầu đào tạo là bước đầu tiên rất quan trọng của chu trình đào tạo người lớn. Thông qua lượng giá nhu cầu đào tạo giảng viên biết rõ học viên đã biết gì, điều gì  biết chưa rõ hoặc chưa biết.
Ngoài kiến thức, người lớn cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và trong công việc. Do vậy, cách tốt nhất là tạo cơ hội để họ chủ động tham gia vào quá trình học, chia sẻ kinh nghiệm với nhau và với giảng viên, đồng thời giúp họ có cơ hội áp dụng hoặc suy nghĩ nhằm tìm cách áp dụng những điều đã học vào công việc của mình.
Người lớn có nhu cầu được biết lý do cần phải học một điều gì đó. Trong khi thực hành nghề nghiệp, họ tự phát hiện được những điểm yếu của mình và biết họ đang cần gì để thực hiện công việc của mình được tốt hơn. Họ sẽ học có hiệu quả hơn nếu biết được ý nghĩa của những điều mình cần học. Khi dạy-học, nếu giảng viên làm rõ được ý nghĩa thực tiễn của những điều họ học, hoặc có liên hệ với các công việc họ đang làm thì học viên sẽ dễ hiểu hơn, dễ tiếp nhận hơn và sẽ có hứng thú hơn trong học tập.
Người lớn có nhu cầu tự định hướng cao. Người lớn khi đi học còn có nhiều mối bận tâm khác nên họ không đủ kiên nhẫn để ngồi nghe thuyết giảng về những điều mà họ chưa cần, và nếu có chú ý học thì cũng sẽ quên nhanh. Lượng giá nhu cầu của học viên trước khoá học không chỉ cho giảng viên biết rõ những kiến thức, kỹ năng học viên đã có kinh nghiệm, mà còn cho giảng viên biết những gì họ còn khiếm khuyết, cần bổ sung. Kết quả lượng giá nhu cầu trước và đầu khoá đào tạo sẽ giúp giảng viên xác định những kiến thức, kỹ năng, thái độ nào cần tập trung dạy-học trong khoá đào tạo. Từ đó giảng viên có thể xác định được mục tiêu học tập sát hợp và đào tạo sẽ có hiệu quả vì nội dung học đáp ứng được nhu cầu của học viên.
Người lớn đi học có động cơ rõ ràng. Động cơ này có thể xuất phát từ nhu cầu muốn tiến bộ, từ nhu cầu công việc của bản thân họ hoặc do yêu cầu của lãnh đạo cơ quan. Cho dù động cơ học xuất phát từ bên trong bản thân họ hay từ bên ngoài thì giảng viên cũng cần gắn việc học của họ với những động cơ này. Nếu làm được như vậy thì sẽ động viên/khích lệ được khả năng học chủ động của họ.
Người lớn không thích sự áp đặt. Họ là những người đã trưởng thành, họ biết tự chịu trách nhiệm về cuộc sống và công việc của mình, do vậy họ sẽ thấy khó chịu hoặc phản ứng nếu giảng viên coi họ như trẻ em, nếu áp đặt về nội dung cũng như phương pháp dạy-học. Giảng viên khi dạy cần sử dụng các phương pháp dạy sao cho có thể khơi gợi được tính chủ động học tập, sự tham gia tích cực của họ và tôn trọng các kinh nghiệm của họ cũng như đánh giá đúng mức sự đóng góp của họ vào quá trình học. Làm được như vậy thì việc học của họ sẽ có hiệu quả.

2. Nguyên tắc cơ bản trong dạy-học người lớn

Xuất phát từ các đặc điểm của người lớn đi học, dạy cho người lớn sẽ có hiệu quả nếu thực hiện được ba nguyên tắc sau đây:
– Cần có sự tham gia tích cực của học viên: Sự tham gia tích cực của học viên sẽ làm tăng khả năng ghi nhớ và áp dụng kiến thức của học viên. Khác với trẻ em, người lớn học qua hiểu thì dễ nhớ hơn học thuộc lòng một cách thụ động, học qua làm thì càng nhớ lâu hơn và có thể áp dụng được những điều đã học vào công việc thực tế. 
Kết quả nghiên cứu cho thấy người lớn nhớ được:
• 20% Những gì họ nghe 
• 30% những gì họ nhìn thấy 
• 50% những gì họ nghe và nhìn thấy 
• 70% những gì họ nghe, nhìn thấy và nói 
• 90% những gì họ nghe, nhìn thấy, được nói và làm.
Kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng, nếu chỉ nghe đơn thuần, tức là nếu chỉ tác động vào một giác quan là thính giác thì họ chỉ nhớ được 20%, nhưng nếu kết hợp thêm với các giác quan khác thì sẽ nhớ được nhiều hơn, đặc biệt nếu kết hợp cả nghe, nhìn, nói và làm thì họ có thể nhớ tới 90% những nội dung học. Như vậy, dạy cho người lớn nếu dùng phương pháp dạy-học mà họ ở thể hoàn toàn thụ động như thuyết trình đơn thuần thì chắc chắn hiệu quả sẽ rất thấp. 
Để tăng hiệu quả dạy-học cần tác động phối hợp -cùng lúc vào nhiều giác quan, đặc biệt cần tạo nhiều cơ hội để họ được làm.
– Tạo môi trường “hỗ trợ”: Môi trường “hỗ trợ” trong lớp học là một môi trường an toàn và thân thiện, bao gồm sự cảm thông, chia sẻ, khen ngợi, động viên, khích lệ giữa giảng viên với học viên và giữa học viên với nhau. Môi trường hỗ trợ thể hiện từ việc sắp xếp chỗ ngồi trong lớp học sao cho có sự bình đẳng giữa các học viên, sao cho không có khoảng cách giữa giảng viên và học viên; cho đến cách giao tiếp ứng xử, cách giải quyết các vấn đề liên quan đến học tập cũng như những vấn đề riêng tư đều mang tính xây dựng, không cản trở sự học tập của học viên. Môi trường an toàn và thân thiện này sẽ đem lại hiệu quả học tập cao hơn là sử dụng các biện pháp hành chính như phê phán, kỷ luật. Tuy nhiên, một lớp học chỉ có hiệu quả khi mọi học viên đều cùng nhau thực hiện nhiệm vụ mà giảng viên giao. Để đảm bảo được điều này nhưng lại không áp đặt học viên, giảng viên nên hướng dẫn học viên tự xây dựng nội quy học tập ngay đầu khoá học và họ sẽ giao ước với nhau để thực hiện nghiêm túc nội quy này.
– Cần tận dụng các kinh nghiệm học tập độc lập và các kinh nghiệm sẵn có của học viên: việc học tập của người lớn sẽ có hiệu quả hơn nếu khoá học được xây dựng dựa trên nền tảng kiến thức – kỹ năng – thái độ đã có của học viên và những nhu cầu của họ. Do vậy để khoá học có hiệu quả, bước lượng giá nhu cầu đào tạo là rất cần thiết, và đặc biệt quan trọng đôi với những khoá đào tạo lại hoặc đào tạo liên tục ngắn ngày vì giảng viên sẽ không có thời gian để sửa chữa sai lầm, nếu có. Giảng viên đánh giá đúng giá trị các kinh nghiệm sẵn có của học viên sẽ làm cho học viên cảm thấy thoải mái, phấn khởi vì được tôn trọng và có niềm tin khi học các kiến thức – thái độ – kỹ năng mới, đồng thời giúp họ liên kết được những điều họ học với những kinh nghiệm họ đã có, cũng như với thực tế công việc của họ. Học viên là người lớn có khả năng tự chịu trách nhiệm về các quyết định và hành vi của bản thân. Người lớn sẽ học có hiệu quả hơn nếu được giảng viên giúp họ tự lựa chọn nội dung và phương pháp học phù hợp, cũng như tạo cơ hội để tăng khả năng học tập độc lập của họ.
Như vậy, phương châm chung của dạy-học cho người lớn là giảng viên không dạy những gì mà học viên có thể làm được. Ba nguyên tắc học của người lớn sẽ định hướng cho giảng viên chọn lựa các phương pháp dạy-học thích hợp cho người lớn. Những phương pháp dạy-học có hiệu quả là những phương pháp lấy học viên làm trung tâm, khích lệ sự tham gia chủ động tích cực của học viên, tạo điều kiện để học viên chia sẻ kinh nghiệm với nhau, tạo điều kiện để học viên áp dụng những điều đã học như: động não, thảo luận nhóm, thực hành đóng vai, nghiên cứu tình huống, làm bài tập nhóm, thao diễn và thao diễn lại.
Từ những nguyên tắc dạy người lớn và dựa trên các đặc điểm của người lớn đi học dẫn tới một khái niệm mới về dạy-học, đó là dạy-học tích cực. Dạy-học tích cực là cách dạy-học lấy học viên làm trung tâm. 

Đặc điểm của dạy-học tích cực:

– Dạy-học theo mục tiêu: là dạy và học những kiến thức, thái độ, kỹ năng cần cho học viên thực hiện nhiệm vụ sau này của họ.
– Có sự tham gia tích cực của học viên: Giảng viên chỉ là người hướng dẫn, tư vấn; học viên là người chủ động tham gia vào mọi hoạt động học tập.
– Có phản hồi thường xuyên: Phản hồi thường xuyên là phản hồi ngay trong từng buổi học, trong suốt quá trình dạy-học. Phản hồi thường xuyên sẽ giúp học viên kịp thời nhận biết những thiếu sót của mình và cải thiện việc học tập cũng như rèn luyện bản thân. Đồng thời thông qua việc phát hiện những thiếu sót của học viên, giảng viên có thể rút kinh nghiệm kịp thời về nội dung, tài liệu và phương pháp dạy-học để nâng cao hiệu quả dạy-học.
– Lượng giá dựa vào mục tiêu: Nội dung và phương pháp lượng giá phải đảm bảo kiểm định được mục tiêu để có thể chứng nhận năng lực học viên một cách chính xác.

3. Chu trình học của người lớn

Dạy-học cho người lớn không chỉ đừng lại ở mức cung cấp các thông tin mới mà phải tiến tới thay đổi thái độ và hành vi nhằm đạt mục tiêu cải thiện chất lượng và hiệu quả công việc của họ. Dạy-học có hiệu quả là từng bước hướng dẫn học viên trải qua quá trình học tập. Quá trình này bao gồm bốn giai đoạn:
1) Giai đoạn thử nghiệm.
2) Giai đoạn xử lý.
3) Giai đoạn khái quát hoá.
4) Giai đoạn ứng dụng.
THỬ NGHIỆM
“ Thực hiện “
4. ỨNG DỤNG
“Hành động”
2. XỬ LÝ
“Suy ngẫm”

3. KHÁI QUÁT HQÁ

“Thu thập ý nghĩa”
Sơ đồ: Chu trình học của người lớn
(Nguồn: Pleiffer và Ballevv, 1991)

3.1. Giai đoạn thử nghiệm (giai đoạn  thực hiện)

– Định nghĩa: Giai đoạn thử nghiệm là giai đoạn học viên tiếp cận với thông tin mới. Thông tin mới này có thể là kiến thức, thái độ hoặc một kỹ năng nào đó.
– Vai trò của giảng viên: Trong giai đoạn này, giảng viên cần xây dựng mục tiêu học tập và giải thích cho học viên biết rõ họ cần đạt được gì sau khi học, thông báo thời lượng dành cho học tập, giới thiệu thông tin một cách hấp dẫn, gợi ý và khích lệ học viên tham gia tích cực bằng cách đặt câu hỏi hoặc tham gia thảo luận.
– Phương pháp dạy-học thích hợp cho giai đoạn này là động não, nghiên cứu tình huống, xem băng hình hoặc tham quan thực địa.

3.2. Giai đoạn xử lý (giai đoạn suy ngẫm)

– Định nghĩa: Giai đoạn xử lý là giai đoạn học viên suy nghĩ, bình luận các thông tin mới này. Giai đoạn này giúp học viên hiểu sâu thêm về các thông tin, hiểu ý nghĩa của của việc tiếp nhận các thông tin này, do đó tăng khả năng ghi nhớ, vì với người lớn đi học thì họ chỉ nhớ được khi đã hiểu và khi biết các thông tin này có liên quan với công việc của họ.
– Vai trò của giảng viên: Trong giai đoạn này, giảng viên hướng dẫn học viên suy nghĩ về các thông tin mới vừa học, hướng dẫn họ chia sẻ với nhau về mức độ hiểu biết của mình hoặc trả lời các câu hỏi của đồng nghiệp để làm rõ thêm các thông tin mới học được.
– Phương pháp dạy-học thích hợp cho giai đoạn này là thảo luận nhóm nhỏ dựa trên vấn để hoặc tình huống mà giảng viên nêu ra và trình bày kết quả thảo luận nhóm.

3.3. Giai đoạn khái quát hoá (giai đoạn thu thập ý nghĩa)

– Định nghĩa: Giai đoạn khái quát hoá là giai đoạn học viên tổng hợp hoặc mở rộng các thông tin sau khi học viên đã suy nghĩ và hiểu rõ những thông tin này. Giai đoạn này giúp học viên rèn luyện khả năng khái quát vấn đề.
Vai trò của giảng viên: Trong giai đoạn này, giảng viên cần hướng dẫn học viên liên hệ những điều đang học với công việc của họ để rút ra những ý nghĩa thực tiễn của các thông tin mới này, đồng thời hướng dẫn học viên liên hệ chủ đề đang học với một ngữ cảnh rộng hơn.
– Phương pháp dạy-học thích hợp cho giai đoạn này là thảo luận nhóm lớn, động não, dán giấy.

3.4. Giai đoạn ứng dụng (giai đoạn hành động)

– Định nghĩa: Giai đoạn ứng dụng là giai đoạn học viên lập kế hoạch áp dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống hoặc thực tế công việc của bản thân. Đây là giai đoạn rất quan trọng vì học viên đã chuyển những điều học được thành hành động, nói cách khác là học viên đã chuyển kiến thức học được thành hành vi. Nếu không có giai đoạn này thì đào tạo trở nên không có hiệu quả vì mục đích của đào tạo là nhằm cải thiện chất lượng thực hiện công việc của học viên.
Vai trò của giảng viên: trong giai đoạn này, giảng viên cần giúp học viên lập kế hoạch thực hành sau khi học, theo dõi và đánh giá học viên khi thực hành. Công việc theo dõi giám sát để hỗ trợ học viên áp dụng những điều đã học không chỉ diễn ra trong khoá học mà ngay cả sau khoá học để đảm bảo rằng học viên áp dụng được những điều đã học vào công việc của họ, đồng thời tiếp tục hỗ trợ học viên giải quyết các khó khăn để có đủ các điều kiện thực hành những điều đã học.
Phương pháp dạy-học thích hợp trong giai đoạn này là thực hành các kỹ năng trên mô hình và trên khách hàng, lập kế hoạch hành động, tham quan học tập.

4. Các phong cách học của học viên

Học viên có nhiều phong cách học khác nhau. Có một số học viên học tập sẽ có hiệu quả hơn nếu phương pháp đào tạo phù hợp với phong cách học của họ. Do vậy giảng viên không nên áp đặt. Biết được phong cách học của học viên, giảng viên có thể chọn lựa được những phương pháp dạy và hành vi ứng xử phù hợp với học viên, đồng thời giúp một số học viên cải tiến phương pháp học cho có hiệu quả hơn. Có thể có nhiều cách để phân loại phong cách học của học viên. 
Dưới đây xin giới thiệu hai cách phân loại phong cách học của học viên.

4.1. Phân loại phong cách học dựa vào tính cách của học viên

Dựa vào tính cách của học viên, người ta phân thành ba mô hình học tập khác nhau của người lớn.

– Mô hình thụ động

+ Đặc điểm: Học viên cần định hướng, cần có sự động viên hoặc khích lệ từ phía giảng viên.
+ Vai trò của giảng viên: giảng, minh họa, phân công rõ nhiệm vụ cho học viên, kiểm tra, giám sát, củng cố, cung cấp đầy đủ tài liệu.
+ Áp dụng: Mô hình này nên áp dụng cho những khoá học giới thiệu thông tin mới, tình huống mới, học viên chưa có hoặc ít có thông tin về chủ đề này trước khi học.

– Mô hình hợp tác

+ Đặc điểm: Học viên cần tìm hiểu nội tâm, trao đổi, thực hành, quan sát, tham gia vào các hoạt động, thử thách lẫn nhau, tôn trọng nhau.
+ Vai trò của giảng viên: Hợp tác, làm mẫu, cho phản hồi, điều phối, đánh giá.
+ Áp dụng: Mô hình này nên áp dụng cho những khoá học mà học viên đã có một số kiến thức hoặc thông tin về chủ đề và mong muốn có cơ hội để chia sẻ với nhau và chia sẻ với giảng viên cũng như để áp dụng.

– Mô hình độc lập

+ Đặc điểm: Học viên tự nhận thức được vấn đề, muôn thử nghiệm và muốn được hỗ trợ.
+ Vai trò của giảng viên: Cho phép học viên thử nghiệm, cung cấp nguồn lực để học viên thử nghiệm, cho phản hồi và tư vấn.
+ Áp dụng: Mô hình này nên áp dụng cho trường hợp học viên đã có kiến thức hoặc kỹ năng nhưng muốn tiếp tục tự học thêm.

4.2. Phân loại phong cách dựa vào cách tiếp cận của học viên

Dựa vào cách tiếp cận vấn đề của học viên người ta chia ra bốn loại phong cách học khác nhau, đó là: 1) Học qua trải nghiệm; 2) Học qua quan sát; 3) Học qua thực hành và 4) học qua suy ngẫm.

4.2.1. Học qua trải nghiệm

Những người học qua trải nghiệm được gọi là những người trải nghiệm. Đặc điểm chung của những người học theo phong cách này là dễ tiếp thu, dễ cảm thông, dễ hoà đồng với mọi người, thích học cùng bạn bè và định hướng về phía đồng đẳng, hay đưa ra các nhận xét dựa vào cảm giác, thích các ý kiến phản hồi, thích thảo luận, không thích cách tiếp cận lý thuyết mang tính lý trí, hay đặt câu hỏi “Tại sao ?”.
Với những đặc tính của những người trải nghiệm thì các phương pháp dạy-học thích hợp với họ là: sử dụng các trò chơi, đóng vai, thảo luận, động não, phỏng vấn, bài tập thực hành tại chỗ.

4.2.2. Học qua quan sát

Những người học qua quan sát được gọi là những người quan sát. Đặc điểm chung của những người học theo phong cách này là thích thăm dò, cẩn thận quan sát những gì đang xảy ra và áp dụng những gì họ cho là tốt, thích đi thẳng vào vấn đề và tìm kiếm ý nghĩa của vấn đề, cẩn thận quan sát trước khi đưa ra nhận xét, thích xem xét vấn đề từ các góc độ khác nhau, thích các ứng dụng mang tính thực tiễn, hay đặt câu hỏi “cách vận hành thế nào ?”.
Với những đặc tính của những người quan sát thì các phương pháp dạy-học thích hợp là: thuyết trình, đặc biệt là thuyết trình có minh hoạ bằng các công cụ trực quan, băng video v.v…, thao diễn mẫu; tham quan triển lãm; đi thực địa.

4.2.3. Học qua thực hành

Những người học qua thực hành được gọi là những người sáng tạo. Đặc tính chung của những người học qua thực hành là năng động, linh hoạt, thích tự khám phá, thích mạo hiểm, hướng ngoại, không thích thụ động, hay hỏi “nếu… thì sao ?”.
Với những đặc tính của những người sáng tạo thì phương pháp dạy-học thích hợp là: ra các bài tập, giao nhiệm vụ lãnh đạo, lập kế hoạch cho các dự án hoặc các đợt đi thực địa.

4.2.4. Học qua suy ngẫm

Những người học qua suy ngẫm được gọi là những người phân tích. Đặc điểm chung của những người phân tích là có đầu óc phân tích, thích sự hệ thống và logic, thích lý giải, chú ý đến chi tiết, thích tự suy nghĩ, hay đặt câu hỏi “cái gì ?”.
Khi tiếp cận với từng đối tượng dạy cụ thể, giảng viên phải nhanh chóng định hình được đặc điểm, nhu cầu của người học, từ đó, chọn lựa phương pháp sư phạm phù hợp, nhằm đạt hiệu quả cao nhất của quá trình dạy – học.
Nguồn: nhà xuất bản giáo dục
vì sao bệnh khó nói ở nam giới chữa hoài không khỏi