Quy chế riêng dành cho các sinh viên
HỌC VIỆN QUÂN Y CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG CĐ QUÂN Y 1 Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Nội dung
QUY CHẾ
Quản lý học sinh, sinh viên dân sự
của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quân y 1)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của học sinh, sinh viên (Sau đây được viết tắt là HSSV); hệ thống tổ chức và phân cấp quản lý HSSV; khen thưởng và xử lý vi phạm đối với HSSV.
2. Quy chế này được áp dụng đối với HSSV dân sự thuộc các đối tượng đào tạo tại trường Cao đẳng Quân y 1.
Điều 2. Tuyển chọn HSSV
HSSV dân sự và cử tuyển là những HSSV được tuyển vào học tập tại trường Cao đẳng Quân y 1 thông qua tuyển sinh dân sự hoặc được cử tuyển theo quy chế của Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng.
Điều 3. Công tác quản lý HSSV
HSSV dân sự được quản lý toàn diện về học tập, rèn luyện trong quá trình đào tạo tại Trường Cao đẳng Quân y 1 theo các quy chế, quy định do Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và Trường Cao đẳng Quân y 1 ban hành.
Việc quản lý HSSV được thực hiện thông qua hệ thống tổ chức quản lý HSSV theo quy định của Điều lệ công tác nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam và Quy chế này.
Điều 4. Nội dung công tác quản lý HSSV
1. Tổ chức tiếp nhận HSSV trúng tuyển vào nhập học.
2. Tổ chức, quản lý việc học tập và rèn luyện của HSSV theo đúng chương trình, kế hoạch và việc thực hiện các quy chế, quy định hiện hành về giáo dục – đào tạo có liên quan tới HSSV.
3. Tổ chức cho HSSV tham gia các hoạt động công tác chính trị tư tưởng, hoạt động của tổ chức Đảng, Đoàn và các tổ chức chính trị xã hội được phép tổ chức tại Trường Cao đẳng Quân y 1 theo quy định về công tác Đảng, công tác chính trị trong nhà trường Quân đội.
4. Tổ chức, quản lý đời sống tinh thần, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và hoạt động xã hội của HSSV.
5. Tổ chức, thực hiện chế độ, chính sách về học phí, học bổng, bảo hiểm y tế và các chế độ khác của Nhà nước có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của HSSV.
6. Phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương tổ chức quản lý, bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn Nhà trường đóng quân.
7. Tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn HSSV chấp hành pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và trường Cao đẳng Quân y 1.
8. Thanh kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác quản lý HSSV. Biểu dương, khen thưởng những HSSV có thành tích trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội. Xử lý kỷ luật HSSV vi phạm pháp luật của Nhà nước; quy chế, quy định của Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và trường Cao đẳng Quân y 1.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI HSSV
Điều 5. Nhập học.
HSSV nhập học tại trường Cao đẳng Quân y 1 phải đúng thời gian, nộp đầy đủ hồ sơ và thực hiện đúng các thủ tục theo quy định.
Điều 6. Nhiệm vụ của HSSV.
1. Thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và Trường Cao đẳng Quân y 1.
2. Chấp hành nghiêm quy chế, nội quy về học tập và rèn luyện, không được tự ý nghỉ học, bỏ học. Nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong học tập, thi và kiểm tra.
4. Nếu thuộc đối tượng đóng các khoản học phí, lệ phí, bảo hiểm y tế phải nộp đầy đủ, đúng thời gian quy định.
6. Xây dựng và thực hiện nếp sống có văn hoá, trung thực, giản dị, khiêm tốn. Chấp hành tốt các quy định về kỷ luật, sử dụng internet, mượn sách, tài liệu, bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội trong và ngoài Nhà trường.
7. Nghiêm cấm tàng trữ, buôn bán, sử dụng vũ khí, ma tuý, chất nổ, chất cháy, hoá chất độc hại, hàng cấm, hàng lậu. Nghiêm cấm đánh bạc, mại dâm, truyền đạo, lập hội trái phép, uống rượu bia say, lưu hành, phát tán văn hoá phẩm phản động, đồi trụy.
8. Tham gia lao động công ích theo quy định hiện hành và khi đơn vị quản lý HSSV các cấp có yêu cầu.
9. Thực hiện cam kết tự nguyện không kết hôn trong khoá học. HSSV nữ đang trong thời kỳ hôn nhân thực hiện cam kết tự nguyện không sinh con trong thời gian học tập.
Điều 7. Quyền lợi của HSSV
1. Được bình đẳng về học tập theo mục tiêu đào tạo, được tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có để phục vụ học tập, rèn luyện, sinh hoạt, tham gia chăm sóc, điều trị và nghiên cứu khoa học theo quy định;
2. Được hưởng các quyền lợi vật chất và tinh thần theo chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước. Được xét hưởng học bổng, miễn, giảm học phí. Được khen thưởng khuyến khích trong học tập.
3. Được tham gia nghiên cứu khoa học theo hướng dẫn của giảng viên và cán bộ quản lý;
4. Được phổ biến nội quy, quy chế về học tập, các chế độ chính sách đối với HSSV.
5. Được đề bạt nguyện vọng, khiếu nại với Nhà trường về các vấn đề liên quan đến điều kiện học tập, môi trường giáo dục, rèn luyện, sinh hoạt tinh thần của HSSV theo quy định của pháp luật;
6. Được chuyển trường, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng theo quy định;
7. Được bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ theo chế độ bảo hiểm y tế hiện hành;
8. Được nghỉ hè, nghỉ lễ, tết hàng năm theo quy định;
9. Được Nhà trường cấp giấy chứng nhận HSSV được phép ở ngoại trú để công an cấp phường (xã, thị trấn) có cơ sở giải quyết cho đăng ký tạm trú.
Điều 8. Thu, nộp học phí, lệ phí.
1. HSSV nộp học phí theo học kỳ đúng thời gian quy định của nhà trường.
2. Khi chưa nộp học phí theo quy định, HSSV chưa được dự thi kết thúc các mô đun; nếu có lý do chính đáng gây trở ngại cho việc nộp học phí HSSV phải có đơn giải trình, được Tiểu đoàn quản lý HSSV xác nhận thì Phòng Đào tạo sẽ báo cáo Hiệu trưởng Nhà trường xem xét, quyết định.
3. Nộp lệ phí kỳ thi phụ, học lại do Hiệu trưởng Nhà trường quy định, HSSV nộp trước khi thi và học lại.
Điều 9. Quy định cho HSSV ngoại trú.
HSSV thuộc đối tượng được ở ngoại trú khi kết thúc học kỳ, năm học phải nộp cho Tiểu đoàn quản lý HSSV giấy nhận xét của công an nơi đăng ký ở ngoại trú về việc chấp hành luật pháp của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương, những thành tích đóng góp cho địa phương, hoặc những khuyết điểm, vi phạm (nếu có).
Điều 10. HSSV phải thôi học, buộc thôi học khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
1. Qua kiểm tra hồ sơ, lý lịch phát hiện có vi phạm: khai man, thiếu trung thực, không đủ tiêu chuẩn nhập học.
2. Trong quá trình học tập bị bệnh, sau khi điều trị được hội đồng giám định y khoa của cấp có thẩm quyền kết luận không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ học tập.
3. Vượt quá thời gian tối đa được phép học tại Nhà trường, kết quả học tập không đủ điều kiện tiếp tục theo học như đã quy định trong Quy chế đào tạo của Trường Cao đẳng Quân y 1.
4. Bị kỷ luật lần thứ hai vì lý do thi hộ hoặc nhờ người thi hộ.
5. Bị kỷ luật không đủ điều kiện trở thành cán bộ y tế.
Chương III
HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ HSSV
Điều 11. Hệ thống tổ chức quản lý, rèn luyện HSSV trong Trường Cao đẳng Quân y 1
Hệ thống này bao gồm: Hiệu trưởng Nhà trường, các cơ quan chức năng trong Nhà trường, các khoa, bộ môn và đơn vị quản lý HSSV.
Điều 12. Nhiệm vụ Phòng Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Hội đồng tuyển sinh và Hiệu trưởng Nhà trường tổ chức tuyển sinh, tiếp nhận HSSV trúng tuyển nhập học, xử lý những trường hợp không đủ điều kiện và hồ sơ vào học, tổ chức quản lý quá trình đào tạo, xét lên lớp, thi tốt nghiệp, quản lý, lưu trữ hồ sơ, học bạ, sổ điểm, kết quả học tập trong quá trình đào tạo, quản lý và cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp.
Điều 13. Nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, khoa, bộ môn trong Nhà trường
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Phòng Đào tạo và đơn vị quản lý HSSV tổ chức quản lý quá trình đào tạo, học tập và rèn luyện của HSSV. Trong giờ lên lớp (lý thuyết, thực hành, thực tập bệnh viện, thực tập cộng đồng) bộ môn, khoa chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng Nhà trường về quản lý HSSV.
Điều 14. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn quản lý HSSV.
1. Phối hợp với cơ quan chức năng của Nhà trường trong tiếp nhận HSSV vào học, biên chế lớp học, thực hiện chương trình, kế hoạch, quy chế về giáo dục – đào tạo; thực hiện các biện pháp giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức hoạt động sinh hoạt Đảng, Đoàn và các tổ chức chính trị – xã hội của HSSV; tổ chức đánh giá phân loại kết quả học tập, rèn luyện của HSSV; bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất cho sinh hoạt, học tập, bảo đảm sức khoẻ, khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế cho HSSV; tổ chức thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước về học bổng, học phí và đời sống vật chất, tinh thần của HSSV; đôn đốc HSSV nộp học phí, các khoản lệ phí và kiến nghị xử lý đối với HSSV chưa thực hiện nộp học phí, các khoản lệ phí theo quy định.
2. Phổ biến cho HSSV kế hoạch học tập và nội quy, quy chế, chế độ chính sách có liên quan đến HSSV. Lập danh sách, trích ngang và sổ theo dõi HSSV. Chỉ định Ban đại diện lớp lâm thời, quyết định công nhận Ban đại diện lớp sau bầu cử. Quản lý việc học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học của HSSV. Biểu dương, khen thưởng, kỷ luật cá nhân và tập thể HSSV theo thẩm quyền. Duy trì thực hiện các quy định về trật tự, vệ sinh, an toàn, nếp sống văn minh trong phạm vi được giao quản lý. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;
3. Phối hợp với gia đình HSSV, chính quyền, cơ quan công an địa phương nơi HSSV thường trú, tạm trú để thực hiện các biện pháp quản lý nhân thân, giáo dục HSSV. Phối hợp xử lý các trường hợp HSSV vi phạm pháp luật, quy tắc trật tự, an toàn xã hội.
Điều 15. Tổ chức lớp HSSV
Lớp là đơn vị học tập và rèn luyện của HSSV, là nơi HSSV thực hiện kế hoạch học tập, rèn luyện, sinh hoạt và tham gia các hoạt động, lĩnh vực công tác khác của Nhà trường. Lớp được tổ chức theo khoá học và ngành đào tạo. Lớp có thể được chia thành các tiểu đội (tốp) học tập.
Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ nhiệm lớp
1. Chủ nhiệm lớp là cán bộ quản lý chuyên trách hoặc kiêm nhiệm được bố trí theo từng lớp HSSV.
2. Chủ nhiệm lớp có nhiệm vụ, quyền hạn:
– Thường xuyên quản lý tình hình, báo cáo với chỉ huy đơn vị quản lý HSSV về tình hình học tập, rèn luyện, chính trị tư tưởng của HSSV trong lớp. Theo dõi tình hình lên lớp, thực hành, thực tập của HSSV. Đốn đốc, kiểm tra HSSV trong lớp thực hiện các quy định, quy chế, nội quy về học tập, rèn luyện của các cấp.
– Tham gia nhận xét, đánh giá, phân loại kết quả học tập, rèn luyện của HSSV và tập thể lớp học. Đề nghị Hội đồng khen thưởng, kỷ luật và chỉ huy đơn vị quản lý HSSV khen thưởng những HSSV có thành tích, xử lý những HSSV vi phạm kỷ luật, vi phạm quy chế, quy định, nội quy về học tập, rèn luyện.
Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban đại diện lớp
1. Lớp HSSV có Ban đại diện của HSSV gồm Lớp trưởng, Lớp phó và 01 (một) uỷ viên được chỉ định hoặc do tập thể HSSV bầu, được chỉ huy đơn vị quản lý HSSV quyết định công nhận. Nhiệm kỳ của Ban đại diện lớp là hai học kỳ. Trong học kỳ đầu của khoá học Ban đại diện lớp do chỉ huy đơn vị quản lý HSSV chỉ định.
2. Ban đại diện lớp chịu sự chỉ đạo của Chủ nhiệm lớp, đơn vị quản lý HSSV, phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh giúp Chủ nhiệm lớp quản lý quá trình học tập, rèn luyện, sinh hoạt và các hoạt động xã hội của HSSV; tham gia tổ chức các hoạt động học tập, rèn luyện, sinh hoạt của lớp; đôn đốc HSSV trong lớp thực hiện các quy định, quy chế, nội quy về học tập, sinh hoạt của các cấp. Thay mặt lớp đề nghị Chủ nhiệm lớp xem xét, báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của HSSV
Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 18. Khen thưởng
HSSV, tập thể HSSV có thành tích trong quá trình học tập, rèn luyện được khen thưởng. Việc khen thưởng được tiến hành thường xuyên hoặc định kỳ theo các quy định về khen thưởng hiện hành.
Điều 19. Xử lý vi phạm
1. HSSV vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện tuỳ theo tính chất, hậu quả của hành vi sai phạm và thái độ nhận khuyết điểm để xử lý kỷ luật bằng các hình thức:
– Khiển trách: áp dụng đối với những HSSV có khuyết điểm mức độ nhẹ, có tính chất nhất thời hoặc không cố ý phạm phải.
– Cảnh cáo: áp dụng đối với HSSV phạm khuyết điểm đã bị khiển trách nhưng không sửa chữa; phạm khuyết điểm thông thường nhưng gây ảnh hưởng xấu hoặc phạm khuyết điểm lần đầu nhưng tương đối nghiêm trọng.
– Đình chỉ học tập có thời hạn: áp dụng đối với những HSSV phạm khuyết điểm nhiều lần, đã chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo (từ 1 đến 2 lần) nay tái phạm hoặc phạm khuyết điểm lần đầu tuy nghiêm trọng nhưng chưa tới mức buộc thôi học, cần có thời gian rèn luyện thử thách, nếu có tiến bộ xét cho học tiếp.
– Buộc thôi học: áp dụng đối với HSSV phạm khuyết điểm có hệ thống, đã được giáo dục nhiều lần mà không chịu sửa chữa, hoặc phạm khuyết điểm nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến Nhà trường và xã hội, không đủ điều kiện để tiếp tục đào tạo.
2. HSSV có hành vi phạm tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng khen thưởng-kỷ luật.
1. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng khen thưởng đối với HSSV thực hiện theo các quy định về khen thưởng hiện hành.
2. Hội đồng kỷ luật HSSV cấp Nhà trường do Hiệu trưởng Nhà trường quyết định thành lập, thành phần gồm đại diện Ban Giám hiệu, cán bộ của một số cơ quan chuyên môn và đơn vị quản lý HSSV trực thuộc Nhà trường. Uỷ quyền cho Tiểu đoàn trưởng đơn vị quản lý HSSV thành lập Hội đồng kỷ luật HSSV cấp Tiểu đoàn, thành phần gồm đại diện chỉ huy Tiểu đoàn, Chủ nhiệm lớp và đại diện tổ chức quần chúng trong đơn vị.
3. Hội đồng kỷ luật HSSV của các cấp là cơ quan tư vấn cho cấp uỷ và người chỉ huy cùng cấp trong thực hiện công tác kỷ luật đối với HSSV, làm việc theo định kỳ mỗi học kỳ 01 (một) lần, khi cần thiết có thể họp các phiên bất thường.
Điều 21. Biện pháp, nội dung, trình tự, thủ tục tiến hành khen thưởng, xử lý kỷ luật HSSV.
Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và Nhà trường./.
|