Học tập

Tự học của sinh viên – yếu tố quan trọng để đổi mới phương pháp giảng dạy

Tự học của sinh viên – yếu tố quan trọng để đổi mới phương pháp giảng dạy

Tự học được xuất phát từ chính nhu cầu muốn học hỏi, muốn gia tăng sự hiểu biết để làm việc và sống tốt hơn của  mỗi người, là hình thức học tập không thể thiếu được của sinh viên đang học tập tại các trường đại học. Thực tế giảng dạy tại các trường đại học cho thấy, nếu sinh viên không chịu khó học tập, đào sâu nghiên cứu, mở rộng thêm kiến thức bằng cách học tập độc lập thì các thầy giáo, cô giáo có dạy giỏi, có kiến thức sâu rộng và trình độ nghiệp vụ vững vàng đến mấy chất lượng học tập cũng không thể cao.
Hiện nay, xã hội đặt ra cho giáo dục và đào tạo ngày càng khắt khe, đòi hỏi các trường đại học không chỉ đào tạo ra nguồn nhân lực thông thạo về lý thuyết mà còn phải biết vận dụng, ứng dụng những kiến thức đó vào thực tiễn đời sống. Để đáp ứng yêu cầu đó, các trường đại học đã phát động đổi mới phương pháp học tập. Tuy các đội ngũ giảng viên đã tiến hành ứng dụng nhưng chuyển biến về chất lượng trong giờ dạy chưa thật sự có kết quả cao. Bởi sinh viên quen với việc thụ động trong việc tiếp nhận, áp đặt. Trong bài giảng của thầy giáo, cô giáo đều có phần định hướng, tổ chức tự học cho sinh viên  nhưng  nhiều khi sinh viên chỉ  thực hiện một cách sơ sài, chiếu lệ. Như vậy, việc tự học của sinh viên được đặt ra như một nhu cầu bức thiết.
Tự học có thể hiểu là tự mình lao động trí óc để chiếm lĩnh kiến thức. Bước đầu quá trình tự học có thể sinh viên còn có nhiều lúng túng nhưng đó cũng chính là động lực giúp sinh viên tư duy để thoát khỏi những khó khăn, lúng túng đó, nhờ vậy mà thành thạo lên.
Trong quá trình tự học của sinh viên, đọc sách được coi là khâu quan trọng đầu tiên giúp sinh viên tiếp thu tri thức và phát triển phương pháp tự học hiệu quả. Để đọc sách hiệu quả thì sinh viên phải có phương pháp đọc, đó là:
– Đọc có suy nghĩ: Khi đọc sách cần phải tập trung tư tưởng. Khi đọc chỗ chưa thông, chưa nắm vững cầm phải ngưng để đọc kỹ, ôn lại. Đọc sách để hiểu những điều tác giả nói và cả những điều tác giả không nói, mà người đọc tự suy nghĩ, mở rộng đến những điều liên quan mà sách không đề cập đến.
– Đọc có hệ thống: Khi đọc bất kỳ cuốn sách nào, sinh viên nên đọc lướt nhanh toàn bộ phần tổng quát của sách để nắm sơ bộ nội dung cuốn sách. Sau đó, tuỳ vào mục đích đọc mà  đọc kỹ  một lần hay nhiều lần. Cuối cùng là cần rèn luyện cách đọc nhanh để tập trung được sự chú ý, sự suy nghĩ diễn ra liên tục và dễ dàng xác lập được mối quan hệ giữa các đoạn với nhau khiến ta dễ nắm được nội dung tài liệu.
– Đọc có chọn lọc: Đọc có chọn lọc là đọc để tìm những điểm cốt lõi, chọn ý tưởng hay nhất, đúng nhất và có ích cho việc học sẽ rèn được tư duy phê phán, làm tiền đề cho năng lực giải quyết vấn đề sau này.
– Đọc có ghi nhớ:  Đọc sách là học tập tích cực nên cần kèm theo việc ghi chép để nhớ lâu. Đọc sách hoặc tài liệu giáo khoa cần ghi các dàn ý và diễn tiến nội dung. Các ý chính cần ghi chép cẩn thận, gạch chân hoặc tô màu vì đó là ý cơ bản mà từ đó có thể suy luận ra các ý khác liên quan. Những phần chưa hiểu hoặc chưa nắm vững cũng cần đánh dấu để tiếp tục suy nghĩ, tìm người giải đáp.
Ngoài đọc sách, sinh viên cũng nên có kỹ năng chọn lọc, sử dụng kiến thức cũ để học kiến thức mới bằng cách: Khi học các kiến thức mới cần phải tái hiện những kiến thức cũ có liên quan để làm sáng tỏ các kiến thức mới; Dùng kiến thức cũ chứng minh cho kiến thức mới…
Vai trò của thầy giáo, cô giáo trong việc rèn luyện  tự học của sinh viên
Trong quá trình hình thành và nâng cao năng lực tự học cho sinh viên, vai trò của người thầy là rất quan trọng. Mỗi giảng viên cần giáo dục cho sinh viên xác định động cơ học tập một cách đúng đắn. Giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học, xem tự học như là một tiêu chí hàng đầu trong quá trình đào tạo để hình thành phương pháp tự học, tạo nền tảng cho năng lực tự học trong sinh viên.
Giáo viên nên tăng cường các hình thức dạy học nhóm, trao đổi thảo luận, nêu lên chính kiến của mình…  Điều này sẽ buộc sinh viên phải nghiên cứu tài liệu, phân tích, mổ xẻ các vấn đề trên nhiều khía cạnh khác nhau để có thể tham gia đóng góp hoặc tranh luận để bảo vệ ý kiến của mình.
Để định hướng cho sinh viên vạch ra kế hoạch tự học cá nhân, giảng viên cần đề ra kế hoạch dạy học cụ thể toàn bộ học phần (hoặc từng chương), cung cấp trước cho sinh viên nghiên cứu để biết mình sẽ làm gì và làm như thế nào trong quá trình học tập bộ môn.
Mai Nghiêm
vì sao bệnh khó nói ở nam giới chữa hoài không khỏi